Hồi chúng tôi công tác ở Trung Quốc, được anh Thắng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh (Vân Nam) chỉ cho chỗ các nhạc sĩ Lê Yên, Lê Lôi, Nguyễn Văn Quỳ, Lương Ngọc Trác… đã sang đây đàn và hát cho các phòng trà từ hồi trước năm 1940.
Sau đó, tôi còn được nhạc sĩ Đường Thiên Nghiêu phụ trách các chương trình ca nhạc của Đài phát thanh truyền hình Vân Nam và Trần Mai, phiên dịch viên tiếng Việt của Đài phát thanh Bắc Kinh dẫn chúng tôi đến khu vực này để chụp ảnh. Khi về nước, tôi đem ảnh đến khoe với nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Ông rất vui khi gặp lại hình ảnh xa xưa mà nay đã có phần thay đổi, rồi ông kể cho chúng tôi nghe cái thời đáng nhớ ấy. Đoạn, ông hào hứng kể tiếp thời gian sau năm 1945 khi “Mơ đời chiến sĩ”...
Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác sinh ra và lớn lên ở phố Nhà Thờ (Hà Nội). Từ năm 11 tuổi đã được gia đình cho học môn âm nhạc với cây đàn và vào đời cũng trên phố này. Trước khi gia nhập Trung đoàn Thủ đô, ông là tự vệ phố, vẫn biểu diễn ở các rạp hát, đêm về đi hát, quần áo và vũ khí tự túc, không có quân phục riêng, phù hiệu chỉ là ngôi sao gắn trên mũ ca-lô.
Mấy ngày trước khi kháng chiến bùng nổ, ông tham gia Tiểu đoàn Đông thành, chiến đấu ở khu vực Cửa Đông bây giờ. Lúc ấy còn có hai tiểu đoàn nữa là Tiểu đoàn Đồng Xuân (ở khu chợ Đồng Xuân) và Tiểu đoàn Đông Kinh nghĩa thục ở khu vực Hàng Bạc. Trung đoàn bộ đóng ở phố Hàng Buồm. Tiểu đoàn trưởng của ông lúc đó là Vũ Yên, chính trị viên là Lê Trung Toản, trung đoàn trưởng là anh Hoàng Siêu Hải, còn ông Vương Thừa Vũ chỉ đạo toàn thành, vũ khí rất thô sơ.
Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác chia sẻ: “Trong trận đánh ở phố Hàng Hòm, đồng chí Vũ Yên gửi tới một quả moocchie-điếc của Pháp, chúng tôi tháo kíp cũ đi thay kíp mới vào. Để tấn công vào một căn nhà bên kia đường phố Hàng Hòm nơi có bọn Pháp trấn giữ, đêm tối, tôi băng qua đường với quả đạn mooc-chie đã thay kíp, đặt trước cửa căn nhà. Dự định khi quả “moọc chê” nổ, cánh cửa chỉ bục một lỗ nhỏ, thì ra sau cánh cửa giặc đã chèn rất nhiều bao cát. Địch ném lựu đạn ra, không may một mảnh đạn đã làm tôi bị thương ở chân và đã được anh em đưa về “bệnh viện dã chiến” của trung đoàn đặt trong một nhà kho của một thương gia phố Hàng Buồm. Khoảng vài ngày sau, Trung đoàn được lệnh rút ra ngoài vòng vây. Quả là một điều kỳ diệu, đến giờ mình vẫn chưa hiểu hết. Người nối người, không một tiếng động, vũ khí mang theo, có cả cáng thương binh, chúng tôi vượt qua đê, chui qua gầm cầu Long Biên, lội sang bãi giữa, đi vài cây số thì có thuyền của du kích ngoại thành đón sang bên kia”.
Trong những ngày nằm ở “bệnh viện dã chiến” tại phố Hàng Buồm, ông đã sáng tác bài “Mơ đời chiến sĩ” để kỷ niệm những ngày gian khổ nhưng không thể nào quên. Sau đó, khi nhận bức thư của Bác gửi anh em Vệ Quốc đoàn có câu: “Các em thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông viết nhạc phẩm thứ hai trong thời kì này là “Thủ đô huyết thệ”, tiếp theo là “Trường Chinh ca”, “Lô Giang”…
Riêng bài “Mơ đời chiến sĩ”, ông viết trong hoàn cảnh đặc biệt trước khi quân ta rút lui khoảng 3 - 4 ngày (tức là vào mùng 9 Tết Đinh Hợi năm 1947). Do ông tình cờ đọc được một bài thơ hay đăng trên tờ Sao Vàng của Vệ Quốc đoàn, có những câu rất phù hợp với tâm tư lúc ấy như:
“Mùa xuân đi không tiếc nữa đời hương
Em long ơi, giữ lấy giấc mơ hường
Ai mải miết một trời son với phấn
Ta hùng anh lừng hát tiến lên đường”
Một ngày sau, bài hát ra đời và được các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô yêu thích và bài hát tự nó lan truyền.
Ca khúc "Mơ đời chiến sĩ" do NSƯT Nguyễn Quang Hưng thể hiện
Những ai đã xem truyện “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hẳn còn nhớ hình ảnh một nhân vật nhạc sĩ trẻ tuổi với cây đàn và cây súng tham gia 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô cùng với trung đoàn. Chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Thu Phong trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng chính là Lương Ngọc Trác ngoài đời, người đã cùng đơn vị “rút quân qua gậm cầu” vào một đêm tối trời mùa đông, hẹn sau 9 năm đến “ngày thu ấy” sẽ trở về giải phóng Thủ đô.
Người chiến sĩ ấy tên thật là Nguyễn Quế Trác, sinh năm 1928. Yêu âm nhạc từ nhỏ, ông vừa tự học nhạc vừa học chơi violon, piano và accordéon. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã là nhạc công cho nhiều phòng trà, rạp hát ở Hà Nội. Khi ban nhạc ở Côn Minh trở về nước cũng là khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ ở Hà Nội, Lương Ngọc Trác lại cùng các bạn hữu tham gia các chương trình ca nhạc chào mừng nước Việt Nam mới. Bản hòa tấu “Vũ khúc tưng bừng” do ông soạn cho dàn nhạc đã được trình diễn trong đêm Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945).
Sau đó, ông tham gia tự vệ tại phố Nhà Thờ. Dịp Tết Đinh Hợi, khi nghe thư chúc tết của Bác, một tự vệ nguyên là võ sư có tên Linh Nam - Trịnh Đình Báu đã thức thâu đêm làm bài thơ “Thủ đô huyết thệ”. Bài thơ cũng gây xúc động để Lương Ngọc Trác phổ thành hành khúc “Thủ đô huyết thệ”.
"Thủ đô huyết thệ" được trình bày bởi Tốp ca nam Đài Tiếng nói Việt Nam
Sau năm 1954, tuy vẫn trong quân ngũ, nhưng Lương Ngọc Trác trở thành Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt nam khi hội vừa thành lập năm 1957. Cùng với Huy Thục, Nguyễn Thành, Nguyên Nhung, Lương Ngọc Trác đã tham gia viết nhạc cho vở vũ kịch đầu tiên của Việt nam mang tên “Ngọn lửa Nghệ - Tĩnh”.
Suốt những năm tháng chống Mỹ, Lương Ngọc Trác vừa phụ trách Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, vừa sáng tác những ca khúc đầy ấn tượng như “Bài ca gửi đất liền”, “Đường lên phía trước”... Sau đó, ông được biệt phái sang nước Lào để sáng tác và giúp xây dựng đoàn văn công của bạn.
Ông đã được tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật cùng nhiều huân, huy chương khác. Tiếc rằng cách đây hơn một năm (8/5/2013), người chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã vĩnh biệt chúng ta./.