Lâu nay cái tên Nguyễn Lân Cường thường được nhiều người nhắc đến khi nói về một vị Phó giáo sư, Tiến sĩ gắn bó với các công trình khảo cổ học, các dự án phục dựng, tu bổ di tích… Nhưng ít ai biết, còn một Nguyễn Lân Cường nữa trong vai trò là nhạc sĩ, đặc biệt là nhạc sĩ sáng tác mảng ca khúc cho thiếu nhi.

Tuy số lượng tác phẩm của ông không nhiều nhưng đã tạo nên một bức tranh bằng âm thanh sống động với những ca khúc đa dạng, phản ảnh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, sự nhí nhảnh, đáng yêu của thiếu nhi.

nlc_tjwq.jpgNhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (Ảnh: Dân trí)

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm khoa học, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Lân Cường về nhận công tác ở Viện Khảo cổ học Việt Nam, gắn đời mình với những công trình nghiên cứu di cốt người cổ. Công việc tưởng như khô khan, nhưng chính những chuyến đi khắp mọi miền đất nước đã chắp cánh cho tâm hồn nghệ sĩ của ông, những bản nhạc cứ thế ra đời sau mỗi vùng ông đi qua. Sáng tác ở nhiều mảng đề tài khác nhau, nhưng có lẽ mảng âm nhạc thiếu nhi là ông dành nhiều tâm huyết và thành công nhất.

Nhạc sĩ Lân Cường hồ hởi nói: “Tôi có vinh dự 4 lần được giải ca khúc thiếu nhi của tổ chức UNICEF, Hội nhạc sĩ Việt Nam, 2 bài của Hội Âm nhạc Hà Nội. Năm 2010 Hội Nhạc sĩ trao tặng giải cho bản hợp xướng “Thăng Long – Hà Nội của em”.

Chính tình yêu vô bờ bến dành cho thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã có nhiều tác phẩm viết về các em ở các mảng đề tài khác nhau và gặt hái nhiều thành công. Năm 1992, bài hát “Con búp bê của em” giành giải Nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc “Trẻ em hôm nay thể giới ngày mai” do UNICEF và Hội nhạc sĩ Việt Nam phát động. Bài hát “Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi” của ông giành giải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về An toàn giao thông. Hay các bài hát “Chú bộ đội dạy cho em cái chữ”, “Em chịu thôi”, rồi bài “60 mùa hoa Điện Biên” mới đây cũng giành giải Nhì ở thể loại ca khúc thiếu nhi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói: “Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã dùng rất nhiều tâm sức dành cho các cháu thiếu nhi. Chúng tôi đánh giá rất cao tác phẩm của ông, tác phẩm vừa có tính giáo dục cho các cháu nhỏ về truyền thống của cha anh chúng ta lại vừa có những ngôn ngữ âm nhạc mới phù hợp với lứa tuổi của các cháu. Chính những yếu tố như vậy đã tạo lên sự thành công cho các tác phẩm của Nguyễn Lân Cường”.

Theo nhạc sĩ Lân Cường, viết cho thiếu nhi không dễ: âm vực không được quá cao hay quá thấp, tiết tấu phải đơn giản, đặc biệt lời ca phải thể hiện được tâm hồn và thế giới sinh động của trẻ thơ. Ông tâm niệm, trẻ em hôm nay có điều kiện tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, phải viết làm sao cho thật trong trẻo, hồn nhiên, để trẻ em thích thú. Muốn vậy, nhạc sĩ phải hóa thân vào thế giới tâm hồn của các em. Chẳng thế mà, dẫu đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, ca từ của ông vẫn trong trẻo, hồn nhiên như lời của tuổi thiếu nhi. Từ những lời ca tưởng như bé con “ơ ơ sao mới đèn vàng mà bố đã đi” trong bài hát “Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi” đến những ca từ ngọt ngào “mẹ mua cho em con búp bê, má hồng trông xinh lắm, miệng luôn mỉm cười”… tất cả đều được các em hồn nhiên đón nhận.

Không chỉ nổi tiếng ở mảng sáng tác, nhạc sĩ Lân Cường còn rất tận tâm trong việc sưu tầm, lưu giữ ca khúc thiếu nhi. Ông cùng với một số nghệ sỹ vừa hoàn thành phần 1 “Tổng tập Giai điệu vàng tuổi thần tiên”, tập hợp tất cả bài hát thiếu nhi từ 100 năm trở lại đây. Ông bảo, các nhạc sĩ Việt Nam thế hệ trước sáng tác cho thiếu nhi như nhạc sĩ Phạm Tuyên có gần 500 ca khúc cho tuổi thơ, nhạc sĩ Hoàng Lân, Phan Huỳnh Điểu, Văn Dung, Nguyễn Ngọc Thiện… cũng có hàng chục, hàng trăm bài hát hay, nếu không tập hợp lại thì lâu dần sẽ mai một hết.

Yêu thương, tâm huyết với trẻ thơ, nhạc sĩ Lân Cường luôn đau đáu trước sự ra đi của lớp nhạc sĩ nổi tiếng trước đây, trong khi thế hệ nhạc sĩ trẻ ngày nay, nhiều người không mấy mặn mà sáng tác cho thiếu nhi nữa. Cứ thế, người ta lại thấy một người hơn 70 tuổi vẫn miệt mài sáng tác, rồi đi gõ cửa khắp nơi để tìm lại bản thảo những bài hát hay cho các em./.