Hồi mới ra Hà Nội, tuổi chúng tôi trên dưới đôi mươi. Khoái nhất là kéo nhau nhảy tàu điện từ chợ Mơ đi bờ hồ Hoàn Kiếm và tiếp nữa… Nhạc sĩ Thái Quý dạo ấy rất giỏi kéo Nhị (Cò). Hễ lên tàu điện cả tốp mấy anh em sà ngay vào chỗ vợ chồng bác hát Xẩm. Thái Quý xin được kéo nhị, tôi và mấy bạn nữa chỉ biết ngồi nghe vợ anh hát và học theo từ đó.
Sau này vào học trường Âm nhạc Việt Nam, Thái Quý đã phát huy được ngón đàn ấy của chất Xẩm trong các sáng tác của mình kể cả nhạc không lời. Anh thường đến Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN) gửi tác phẩm, chúng tôi lại có dịp nhắc lại cái thời “Leng keng tàu điện bờ hồ - Nhảy lên với Xẩm, kéo Cò cùng nghe”(Thơ của Thái Quý). Còn tôi nhớ nhất là bà Xẩm đã biết gắn thời sự tuyên truyền trong lời ca: “Ai ơi nhớ lấy điều này – Hai bảy tháng bảy là ngày Thương binh”… trong dịp tháng 7 về. Có lẽ nhờ đó mà tôi cũng có được ý thức về “thời tiết chính trị” trong các sáng tác của mình từ khi về công tác ở Ban Văn nghệ của Đài TNVN.
Ảnh minh họa: Hải Bá - Như Hoàn. |
Theo tài liệu cũng như các nghệ nhân dân gian cao niên kể lại thì dòng Xẩm Hà Nội được hình thành từ cuối thế kỷ 19 và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ 20, khi Hà Nội phát triển dần thành phố phường nhộn nhịp, thành phố triển khai các tuyến đường tàu điện, cũng tạo thêm đất sống cho nghề hát Xẩm vốn có. Làn điệu và lời hát Xẩm ở đô thị cũng phải chọn lọc khác với hát xẩm ở vùng nông thôn. Làn điệu Xẩm phải sôi động và tiết tấu nhanh hơn, lời ca ngắn gọn và dễ hiểu phù hợp với không gian ở phường phố.
Trong nghệ thuật hát Xẩm có các làn điệu: Xẩm chợ (hát ở khu vực chợ, làn điệu phải vui vẻ rộn ràng cho phù hợp với khung cảnh chợ), xẩm anh Khóa (làn điệu Sa mạc, Trống quân, Bồng mạc), Xẩm Xoan, Ba Bậc, Huê tình, Thập ân, Đò đưa… đều được hát ở trên tàu điện, lời hát do các nghệ nhân hát Xẩm tự sáng tác. Họ dùng cả những bải thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng như: Á nam Trần Tuấn Khải, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tú Mỡ, Tú Xương... để phục vụ thị hiếu du khách thành thị trong đó có các bài: Tiễn chân anh Khóa, Lỡ bước sang ngang, Hát xuôi hát ngược, Thập ân phụ mẫu v.v…
Nhiều bài hát Xẩm cổ về Hà Nội như: “Hà thành 36 phố phường”, “Hò 4 mùa” (nói về địa danh, phố nghề và vùng ngoại ô). Bài “Vui nhất có chợ Đồng Xuân” với những ca từ đằm thắm tả lại hình ảnh hấp dẫn của chợ:
Hà Nội như động tiên sa
Sau giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất có chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức ấy xa gần đến mua...
Giai điệu và lời ca như kể lại câu chuyện, tâm sự và đôi lúc mời chào người vào chợ mua hàng, hợp với không gian ồn ào ở chợ Đồng Xuân. Cái hay của hát Xẩm còn thể hiện được mọi cung bậc của tình cảm kể cả chuyện yêu đương, vợ chồng, nghĩa vụ con cái đối với cha mẹ:
Em ơi nhớ lấy mấy lời
Tình chồng nghĩa vợ, muôn đời không quên...
Hoặc:
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…
Người hát có thể thêm vào một chút hài hước và vui nhộn để chiều lòng người nghe, ví như bài “Lại mất nữa rồi...” vừa pha trò cười và cũng nhắc nhở, cảnh báo người trong chợ hãy cảnh giác kẻo mất cắp:
Cô ơi, sắp sửa mất rồi
Kia kìa kẻ cắp đang cười với cô…
Các nhóm hát Xẩm thường là người khiếm thị, đi từng tốp hai người đàn và hát, họ có thể là hai vợ chồng và có khi là cả gia đình cùng đi hát. Gánh hát Xẩm thường lần mò vào chợ và bến xe ngồi hát, đôi khi họ phải đi hát rong quanh khu chợ và vòng quanh đường phố mới kiếm được nhiều tiền. Thời đó, các gánh hát Xẩm thường tụ tập hát ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi, và bến xe Kim Liên, Kim Mã, bến Nứa. Họ còn nhảy lên tàu điện và ngồi hát Xẩm ở giữa toa tàu, trên các tuyến tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Bạch Mai, Bờ Hồ - chợ Bưởi, Bờ Hồ - Yên Phụ.
Nghề hát Xẩm chỉ cần một cây đàn Nhị hoặc đàn Hồ , thêm một trống mảnh hoặc phách tre cầm tay là hành nghề được. (Có nhóm còn sử dụng cả đàn Bầu, trống đế.
Vào cuối năm 1954 đầu 1955, để vận động việc người dân miền Bắc không di cư vào miền Nam sau Hiệp định Genève, ngành văn hóa thông tin tuyên truyền đã tập trung nhiều nhóm hát Xẩm (gồm nhiều nghệ nhân Xẩm của các vùng Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội...), cử người viết bài và đến các vùng duyên hải phía Bắc biểu diễn nhằm vận động nhân dân. Sau đó, khi Hội Người Mù được thành lập, những người hát Xẩm được dạy nghề thủ công và chuyển sang sống bằng nghề mới này nên Xẩm dần vắng bóng và chỉ còn xuất hiện trên sóng phát thanh và sân khấu như một tiết mục văn nghệ thuần túy do những diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn chứ hát Xẩm không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có của nó.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài TNVN cũng đã trực tiếp thu thanh và giới thiệu tiếng hát tay đàn của nhiều nghệ nhân dân gian về hát Xẩm như: Hà Thị Cầu, Tô Quốc Phương, Vũ Đức Sắc, Nguyễn Văn Khôi, Thân Đức Chính…
Để bảo tồn hát Xẩm nói chung, dòng Xẩm Hà Thành nói riêng, từ năm 2006 một “Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt nam” của Hội Nhạc sĩ Việt nam ra đời. Trung tâm này tập hợp được nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc như: Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan, Thúy Ngần và một số nghệ sĩ trẻ như Mai Tuyết Hoa, Quang Long… Nhạc sĩ Phạm Minh Khang làm Giám đốc, nhạc sĩ Thao Giang làm phó giám đốc (Hiện nay anh Giang làm Giám đốc, thay anh Khang đã mất). Chức năng chủ yếu của trung tâm này là sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo và phát huy các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian trong đó có hát Xẩm. Hàng tuần trước cổng chợ Đồng Xuân, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức các tối biểu diễn, thu hút rất đông người đến xem và thưởng thức các điệu hát Xẩm lời cổ cũng như lời mới. Chiếu Xẩm chợ Đồng Xuân đã trở thành nếp văn hóa cuối tuần nơi phố cổ Hà Nội.
Tiếng đàn và giọng hát Xẩm của vợ chồng ông Kiêm, bà Là trên những chuyến tàu điện năm nào cứ vương vấn mãi trong chúng tôi – những người từ xứ Nghệ khi mới đặt chân lên đất Thủ Đô, tập làm dân Hà Thành – cách đây đã 50 năm có lẻ. Mỗi lần đến với hát Xẩm ở chợ Đồng Xuân, hay nghe những bài hát Xẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi lại nhớ đến tiếng Nhị rất ngọt của Thái Quý, người nhạc sĩ đồng hương, bởi anh đã về với tổ tiên của nghề hát Xẩm hơn hai chục năm rồi./.