Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày mùng 3/9 hàng năm là “Ngày Âm nhạc Việt Nam”. Năm 2010, “Ngày Âm nhạc Việt Nam” được tổ chức lần đầu tiên tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó đến nay, “Ngày Âm nhạc Việt Nam” trải qua 10 mùa hội âm nhạc với các chương trình nghệ thuật, các hoạt động âm nhạc diễn ra trên cả nước.
"Ngày Âm nhạc Việt Nam" đã tôn vinh các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, giới thiệu các tác phẩm, động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, phát huy giá trị truyền thống của âm nhạc cách mạng Việt Nam, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu trong buổi gặp mặt báo chí chào mừng "Ngày Âm nhạc Việt Nam" lần thứ 10 và giới thiệu chương trình "Mùa thu nhớ Bác" sáng 23/8 tại Hà Nội. |
Năm nay, “Ngày Âm nhạc Việt Nam” diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là 50 năm Ngày Bác đi xa. Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ thực hiện Chương trình hòa nhạc đặc biệt với chủ đề “Mùa thu nhớ Bác”, giới thiệu các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác âm nhạc kinh điển của Việt Nam
Trong không gian của "Ngày Âm nhạc Việt Nam" lần thứ 10 (3/9/2019), khán giả sẽ được hòa mình vào những giai điệu bất tận, trào dâng cảm xúc được kết tinh từ những tác phẩm âm nhạc đặc sắc của các nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: "Trong chương trình này, chúng tôi muốn nhìn lại hành trình 10 năm Ngày Âm nhạc Việt Nam và lịch sử âm nhạc đất nước, tôn vinh các thế hệ nhạc sĩ lão thành. Chương trình sẽ là sự hòa quyện giữa nhạc giao hưởng, hợp xướng, oprea và những ca khúc nổi tiếng".
Theo đó, chương trình được chia làm 2 phần. Phần 1 sẽ có các tác phẩm nổi tiếng mang âm hưởng Việt Nam do dàn nhạc Dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đảm nhiệm như "Xa khơi" (Nguyễn Tài Tuệ), "Trông cây lại nhớ đến Người" (Đỗ Nhuận), "Tiếng đàn bầu" (Nguyễn Đình Phúc); các hòa tấu "Ngày hội", "Vì miền Nam", "Chung một niềm tin".
Phần 2 sẽ do Dàn nhạc Giao hưởng và Hợp xướng, Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam đảm nhận với những tác phẩm: "Ca ngợi Tổ quốc" (Hồ Bắc), "Bài ca hy vọng" (Văn Ký), "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Người là niềm tin tất thắng" (Chu Minh), "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" (Nguyễn Văn Thương), "Mừng ngày Âm nhạc Việt Nam" (Đỗ Hồng Quân); và các trích đoạn trích đoạn aria trong 2 vở opera "Người tạc tượng" (Đỗ Nhuận) và "Lá đỏ" (Đỗ Hồng Quân).
Chương trình sẽ có sự góp mặt của NSND Quang Thọ, Anh Thơ, Lan Anh, Trọng Tấn, Đào Tố Loan, Mạnh Dũng, Sao Mai Thu Hằng... Những ca sĩ trẻ như Đào Tố Loan, Mạnh Dũng, Thu Hằng tượng trưng cho sự lan tỏa, kéo dài đời sống cho các tác phẩm âm nhạc kinh điển và tạo sức hấp dẫn hơn với lớp trẻ.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm: "Dù kinh phí để tổ chức các chương trình trong "Ngày Âm nhạc Việt Nam" khá hạn hẹp nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ với tinh thần ủng hộ đều không nhận tiền cát xê. Tất cả với mục tiêu dâng lên Bác một chương trình nghệ thuật đặc sắc".
Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật "Mùa thu nhớ Bác" diễn ra vào tối 3/9 tại Nhà hát Lớn (Hà Hội), trong khuôn khổ “Ngày Âm nhạc Việt Nam” 2019 còn có những cuộc gặp mặt, giao lưu, giới thiệu tác giả - tác phẩm, tôn vinh các nhạc sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu trong hoạt động âm nhạc, động viên các nhạc sĩ phát huy các giá trị truyền thống của âm nhạc Việt Nam./.
“Tháng 9 – Nắng thu”: Hòa nhạc chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam