Tối 3/3, đêm nhạc “Độc huyền cầm” vinh danh cây đàn bầu và những cống hiến trong nghệ thuật của nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ, nghệ sĩ Phạm Đức Thành cùng cây đàn bầu đã đưa khán giả qua khắp các miền đất nước cùng các bản nhạc, các ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau: từ nhạc truyền thống dân tộc đến nhạc cách mạng, trữ tình, bolero… Ở bất kỳ một thể loại nào, tiếng đàn bầu của Phạm Đức Thành đều mang đến những cảm xúc khiến người xem bất ngờ, say đắm.
Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành. |
Điều nghệ sĩ Phạm Đức Thành muốn gửi gắm tới khán giả qua đêm nhạc "Độc huyền cầm" là chiếc đàn bầu của Việt Nam giản dị nhưng âm thanh da diết luôn làm rung động và mê hoặc bất cứ ai. “Trên thế giới có nhiều quốc gia cũng có đàn 1 dây như: Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia… nhưng đàn bầu Việt Nam có sức quyến rũ tuyệt vời. Chỉ có Việt Nam mới có đàn 1 dây, khảy dây thành tiếng, mà nắn cần thì thành điệu”- ông nói.
Ca sĩ Trọng Tấn là người đảm nhiệm vai trò mở màn đêm nhạc đặc biệt “Độc huyền cầm” với ca khúc “Tiếng đàn bầu”. Trọng Tấn bày tỏ, với anh, được hát “Tiếng đàn bầu” với phần đệm đàn của nghệ sĩ Phạm Đức Thành là điều tuyệt vời và là một kỷ niệm khó quên.
Sau tiết mục mở màn đầy cảm xúc, sân khấu “Độc huyền cầm” do nghệ sĩ Phạm Đức Thành làm chủ. Ông chơi các bản nhạc đậm chất dân tộc với tiếng đàn bầu như "Bèo dạt mây trôi", "Lý tình tang", "Lý kéo chài"... Tiếp đến, ông đã gây bất ngờ khi đàn và hát xẩm cùng ca sĩ Thanh Thanh Hiền với bài xẩm “Có nhớ quê chăng”.
Clip: Bài xẩm "Có nhớ quê chăng"
Sự kết hợp mới lạ với nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn bài “Lòng mẹ”, và cả cuộc so tài đầy thú vị với nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền cũng khiến khán giả "sởn da gà". Nếu violin được cho là “nữ hoàng” của dàn nhạc phương Tây, thì nghệ sĩ Phạm Đức Thành gọi đàn bầu là “công chúa” của dàn nhạc dân tộc.
Sự xuất hiện thú vị trong đêm nhạc của Phạm Đức Thành là Quang Lê và Trọng Tấn. Quang Lê đã phải huỷ 2 show nhạc ở Mỹ để được có mặt trong đêm nhạc “Độc huyền” cầm vì tình cảm với nhạc sĩ. Phạm Đức Thành chính là người đệm đàn cho anh hát bài hát đầu tiên trong sự nghiệp ca sĩ của mình.
Trọng Tấn tiết lộ, anh và Quang Lê dù không hát dòng nhạc liên quan nhưng cả hai đều rất quan tâm và nghe nhạc của nhau. Hai người còn thỏa thuận “đổi vai”, Quang Lê mặc vest cho giống phong cách nhạc đỏ, còn Trọng Tấn sẽ mặc áo dài cho đậm chất Bolero.
Trọng Tấn và Quang Lê. |
Hai nam ca sĩ song ca “Việt Nam quê hương tôi”. Với Quang Lê, đây là loại nhạc vô cùng khó cho người không chuyên xử lý dòng nhạc này và anh xem đó như một sự thử thách. Dù có nhiều lo lắng nhưng Quang Lê đã thể hiện ấn tượng ca khúc này.
Quang Lê cũng không “bỏ qua” cơ hội thách đố ca sĩ Trọng Tấn hát Bolero với ca khúc “Con đường xưa em đi”. Trong tiếng đàn ngẫu hứng của nghệ sĩ Phạm Đức Thành và ban nhạc, “Con đường xưa em đi” với giọng hát Bolero cực kỳ mượt mà củ Trọng Tấn và tiếng hát da diết ngọt ngào của Quang Lê đã khiến khán giả bất ngờ.
Video: Trọng Tấn - Quang Lê hát “Con đường xưa em đi”
Ngoài những ca sĩ nổi tiếng, đêm nhạc “Độc huyền cầm” còn ghi dấu sự xuất hiện trở lại của ca sĩ Phương Linh - người vợ kém nghệ sĩ Phạm Đức Thành gần 20 tuổi. Phương Linh thể hiện ca khúc “Ru lại câu hò” rất ngọt ngào và nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả dù rất lâu rồi, nữ ca sĩ mới xuất hiện trên sân khấu.
Ca sĩ Phương Linh cũng dành nhiều lời tình cảm cho ông xã và thừa nhận, cả hai có một mối duyên tiền định. Phương Linh tự tin mình và ông xã tâm đầu ý hợp, hiểu nhau đến hơn 90%. Vừa lo phần biểu diễn của mình, ca sĩ Phương Linh cũng không quên chăm chút từng ly từng tý cho ông xã.
Ca sĩ Phương Linh - vợ Phạm Đức Thành. |
Đây cũng là lần đầu tiên, một nhạc cụ dân tộc làm liveshow hoành tráng tại “thánh đường âm nhạc” Nhà hát Lớn Hà Nội. Ca sĩ Ngọc Châm, chủ nhiệm chương trình chia sẻ, những người đã bỏ tiền mua vé đến với chương trình đều có một cái “gu” thưởng thức nghệ thuật đặc biệt bởi không phải ai cũng bỏ tiền ra để mua vé xem… đàn bầu.
Nghệ sĩ Phạm Đức Thành tuy đã mang cây đàn bầu trình diễn khắp thế giới, nhưng không phải gương mặt “sao” thị trường. Ekip thực hiện chương trình đã lo lắng do vấn đề bán vé không hề dễ dàng. Bản thân nhạc sĩ Phạm Đức Thành cũng mất ăn mất ngủ vì lo làm sao cho trình diễn thật hay để khán giả công nhận tiếng đàn bầu và yêu mến loại nhạc cụ mà ông nói “chắc chắn là của riêng Việt Nam” này. Đến phút cuối cùng, ekip đã thở phào khi khán giả đã ủng hộ kín khán phòng, và tiếng vỗ tay vang dội hơn bất cứ một chương trình ca nhạc.
Chia sẻ sau thành công của đêm nhạc, ca sĩ Ngọc Châm - tác giả của chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” bày tỏ: “Nghệ sĩ Phạm Đức Thành có nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, thấy sự đam mê, nhiệt huyết và sự hiểu biết rất lớn về đàn bầu. Ông đã đưa tiếng đàn bầu chinh phục khán giả khắp thế giới thì không có lý do gì tại Việt Nam chúng ta lại không giang tay đón nhận tình yêu quê hương qua tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Phạm Đức Thành”.
Ca sĩ Ngọc Châm hát "Mái đình làng biển 2" tại liveshow Phạm Đức Thành. |
Tiếng đàn bầu của Phạm Đức Thành lại rất khác biệt, vừa nghệ thuật lại vừa giải trí, đủ khiến người ta đắm chìm trong những âm thanh mộc mạc, da diết, luyến lưu lại đủ làm người ta hân hoan, sung sướng khi kết hợp với dàn nhạc, với âm nhạc hiện đại. Nhờ liveshow này, thanh âm quấn quyện của đàn bầu được tôn vinh một cách xứng đáng, vừa mãn nhãn vừa thán phục./.