Trong không gian của Giai điệu tự hào tháng 11 với chủ đề “Nỗi nhớ mùa đông”, nhóm 5 dòng kẻ sẽ đưa khán giả trở về với miền ký ức qua ca khúc “Áo mùa đông” của tác giả Đỗ Nhuận, sáng tác năm 1946.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Ca khúc này được ‘ghi’ lại từ câu chuyện về chiếc áo trấn thủ mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tặng khi đang ở trong nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị đưa ra pháp trường, ông đã tặng lại chiếc áo ấy cho người đồng chí của mình. Âm nhạc trong ca khúc này của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã trộn vào đó cái hồn Việt. Bài hát này đã mở đầu dòng nhạc sĩ trữ tình thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Nhóm 5 dòng kẻ |
3 năm sau, trong một mùa đêm đông năm 1949, nhà văn Nam Cao gợi ý cho Xuân Oanh sáng tác một ca khúc viết về quê hương anh bộ đội. Theo lời kể của nhạc sĩ Xuân Oanh trước đó, hồi bấy giờ, trong chiến trường, ông sáng tác bằng một loại nhạc cụ tự chế theo mô hình đàn bầu. Một ống bơ kiểu thịt hộp được nước ngoài viện trợ, nối với một sợi dây được tước ra từ sợi dây phanh và một đoạn ống tre. Khi sử dụng thì dùng một cái que gảy và một cái chén uống trà chặn trên dây để điều chỉnh cung bậc cao thấp. Những giai điệu đầu tiên của bài “Quê hương anh bộ đội” đã ra đời như thế, ban đầu được truyền miệng trong chiến khu sau đó lan rộng ra khắp cả nước.
Bài hát "Quê hương anh bộ đội” từng được thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Quang Lý, nghệ sĩ Thúy Lan cùng tốp ca Đài Tiếng nói Việt Nam. So với các bản phối cũ, bản phối mới trong Giai điệu tự hào tháng 11 do ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện không quá khác biệt về âm hưởng. Nhưng bài hát vẫn có nét hiện đại với những đoạn chuyển, giúp những người nghe trẻ tuổi có thể cảm nhận được bài hát một cách tốt hơn.
Vũ Thắng Lợi thể hiện "Quê hương anh bộ đội". |
Mùa đông năm 1972, trong căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, nhạc sĩ Phan Vũ viết những câu thơ “Em ơi! Hà Nội - Phố”. Bài thơ ra đời vào những ngày, đêm Hà Nội bị đánh bom ác liệt. Nhưng phải đến 13 năm sau, một đoạn thơ trong bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Phiên bản ca khúc này do ca sĩ Phương Anh trình bày trong Giai điệu tự hào tháng 11 được phối sang phong cách rock với sự dữ dội nhưng ko làm mất đi tình cảm của tác giả dành cho mùa đông của Hà Nội.
Mùa đông năm 1975, tác giả Bùi Văn Dung nảy ra tứ thơ “Gửi nắng cho em” khi ông cùng bạn ngồi uống nước trong cái nắng của miền Nam, nghe radio thấy nói ngoài Bắc giá rét. Bài thơ “Gửi nắng cho em” sau đó xuất hiện trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào cuối năm 1975. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ nhạc bài thơ này vào mùa đông đầu tiên sau giải phóng. Trong Giai điệu tự hào, ca sĩ Đặng Tuấn Phương – quán quân X-Factor trình bày lại ca khúc này với bản phối mang đậm tiết điệu của nhạc truyền thống Cách mạng, xen lẫn chất liệu dân ca.
Phương Linh |
Sau khi đất nước thống nhất, miền Bắc vẫn còn nhiều khó khăn khi bước sang thời kỳ xây dựng đổi mới, những ca khúc viết về mùa đông lại gợi nhớ nhiều kỷ niệm của chính những tác giả, đặc biệt là những nhạc sĩ đã chuyển vào Nam sinh sống. Trong số đó có những ca từ buồn da diết của “Bài hát ru mùa đông” do nhạc sĩ Dương Thụ sáng tác. Bài hát này cũng được chọn giới thiệu trong Giai điệu tự hào tháng 11 với giọng ca của ca sĩ Phương Linh theo phong cách world music.
Chương trình giới thiệu thêm một tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang mang tên “Nỗi nhớ mùa đông”. Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng, không chỉ người Bắc mới nhớ mùa đông. Ông từng chứng kiến ở Sài Gòn khi thời tiết mới 18 độ, những cô gái Sài Gòn đua nhau mặc áo cổ lọ. Chứng tỏ, họ cũng rất “thèm” mùa đông. “Tôi nghĩ, sâu thẳm con người phải là mùa đông” – nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ. Ca sĩ Thu Phương là người thể hiện ca khúc này với những trải nghiệm, nỗi nhớ day dứt sau nhiều năm xa quê.
Giai điệu tự hào Tháng 11 - Nỗi nhớ mùa đông được phát sóng lúc 20h10’ ngày 26/11 trên kênh VTV1 (Đài THVN)./.