Hình ảnh chú Dế mèn hiện lên thật trong trẻo qua những câu hát: “Đi lang thang cho biết đó biết đây/Ngạo nghễ bước và coi khinh yếu hèn/Giúp đỡ bạn bè vượt thử thách trên những con đường xa lắc xa lơ…” hay “Chu du một phen/ Cùng kết nghĩa với bao bạn bè/Bầu trời xanh mãi đẹp/Bên nhau hoà ca/ Chu du khắp nơi/ Ngoài kia luôn có bao điều kì diệu/ Nhưng trong tâm hồn mình/ Đất mẹ thân thương”.

“Lúc nhỏ tôi mê đọc sách, đặc biệt là các sách truyện về những chuyến thám hiểm, phiêu lưu. Tôi đọc cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký bắt đầu từ một quyển truyện tranh mỏng, về sau mới có sách dày để đọc đi đọc lại mãi không chán. Tụi trẻ con ngày xưa toàn chuyền tay nhau mượn để đọc những trưa hè oi ả, rồi rủ nhau đi bắt dế về chọi. Kỷ niệm nhắc lại vẫn còn thấy nao nao”, Trần Lập nhớ lại.

tranlap_yiba.jpg 

Hình tượng chú Dế mèn của nhà văn Tô Hoài là cảm hứng để Trần Lập sáng tác ca khúc Dế mèn.

Cũng như biết bao đứa trẻ khác, Dế mèn phiêu lưu ký là cuốn truyện nằm lòng suốt tuổi thơ của cậu bé Trần Lập. Hình ảnh chú Dế mèn cứ thế làm cậu mê mẩn đến khi lớn lên và truyền cảm hứng cho những sáng tác sau này khi anh đã đặt chân vào con đường của nhạc rock.

Trần Lập đã cùng ban nhạc Bức Tường viết ca khúc Dế mèn, đặt trong album Nam Châm.  Đến giờ, người ta vẫn nhắc đến Dế mèn như một trong những bài hát rock hay và độc đáo nhất của họ. 

Chuyện Dế mèn ra đời sau đó theo một cách “đặc biệt” khác. “Khi đó Nhà xuất bản Kim Đồng có kỷ niệm 50 năm thành lập và mời tôi viết ca khúc minh họa cho tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký”, Trần Lập kể.

Viết theo lời mời, hay chính xác hơn là lời đặt hàng, nhưng anh cảm thấy rất phấn khích. Bài hát dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên nên “nó gợi lên cho tôi một cảm xúc khác, trong sáng. Tôi đã bắt tay vào làm bài rất nhanh”.

Khi nhạc sĩ mới viết xong phần nháp, mọi người đã đến tận nhà anh để cùng nghe. Dù lúc đó thiết bị thu âm còn đơn sơn, nhưng tất cả nghe qua một lượt đều thích.

Dế mèn phiêu lưu ký đã theo suốt tuổi thơ anh và đến giờ là cậu con trai và cô con gái của anh. Những ao hồ bụi cây giờ không còn nhiều, và trẻ con giờ cũng khó bắt dế mà chơi như xưa. Anh để các con tự đọc truyện và tự ngấm. “Tôi nghĩ chúng sẽ cảm nhận cuộc sống theo cách của chúng”, Trần Lập chia sẻ./.