Sau “Con đường xưa em đi”, bản nhạc gốc của 4 trong số 5 ca khúc đang bị cấm lưu hành (vì bị cho là sai lời, tác giả) là “Rừng xưa” và “Cánh thiệp đầu xuân”, “Chuyện buồn ngày xuân” và “Đừng gọi anh bằng chú” cũng đã được tìm thấy.

canh_thiep_dau_xuan_csgz.jpg
Ca khúc Cánh thiệp đầu xuân, sáng tác Minh Kỳ - Lê Dinh.

Nhạc sĩ Phan Phương, Trưởng Ban Hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã cung cấp cho PV VOV.VN bản nhạc gốc của các ca khúc “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Đừng gọi anh bằng chú”. “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân” được sáng tác bởi nhạc sĩ Lam Phương; “Cánh thiệp đầu xuân” là sáng tác của nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Lê Dinh. “Đừng gọi anh bằng chú” được sáng tác bởi nhạc sĩ Anh Thy.

Ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú”, bị nhầm là của Diên An, cũng đã được xác định là của nhạc sĩ Anh Thy. Trong hồ sơ hợp đồng ủy quyền cho VCPMC do gia đình nhạc sĩ Anh Thy cung cấp, không có bản nhạc gốc của ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú”. Tuy nhiên, nhạc sĩ Phan Phương khẳng định, nhạc sĩ Anh Thy chính là tác giả của ca khúc này. Ngoài ra ông có thêm 16 ca khúc nữa, đều ủy quyền cho VCPMC.

Bản gốc ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân” là bản chép tay, được con trai nhạc sĩ Minh Kỳ, ông Bảo Thương ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ ngày 22/2/2005.

Theo nhạc sĩ Phan Phương, thông tin hồ sơ về ca khúc này được lưu tại VCPMC từ năm 2013 và ghi rõ tên tác giả. Ông cũng không biết bắt nguồn từ đâu lại có sự nhầm lẫn tác giả Diên An và Anh Thy. Nhưng nếu cơ quan chức năng cần xác minh thì không có gì khó.

Hồ sơ hợp đồng ủy quyền khai thác nhạc phẩm giữa gia đình nhạc sĩ Anh Thy và VCPMC được ký vào năm 2013.

Bản gốc ca khúc “Cánh thiệp đầu xuân” là bản chép tay, được con trai nhạc sĩ Minh Kỳ, ông Bảo Thương ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ ngày 22/2/2005.

Cũng theo tài liệu do nhạc sĩ Phan Phương cung cấp, nhạc sĩ Lam Phương hiện nay đang sống ở Mỹ. Nhạc sĩ Minh Kỳ, Anh Thy đã mất. Nhạc sĩ Lê Dinh hiện đang sống ở Canada.

Tất cả 4 nhạc sĩ này đều có hợp đồng ủy quyền “quyền khai thác tác phẩm âm nhạc” với VCPMC.

Về vấn đề cấm lưu hành đối với 5 ca khúc bị cho là sai lời và tác giả, theo nhà báo Phan Phương, Trưởng Ban hội viên  của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải có trách nhiệm công khai các nguyên tắc cấm lưu hành các ca khúc cũng như bản gốc các ca khúc. Như thế, để độc giả dễ dàng phân định đâu là dị bản (bản lưu hành sai lời) và đâu là bản nhạc gốc?

Bản nhạc gốc ca khúc Rừng xưa, sáng tác Lam Phương cũng đã được tìm thấy.

Nhạc sĩ Phan Phương cũng cho rằng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có thiếu sót khi không công khai các nguyên tắc cấm lưu hành các ca khúc.

“Để tránh những tranh luận ầm ĩ không đáng có trong dư luận, Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải có trách nhiệm công khai các nguyên tắc cấm lưu hành các ca khúc”, ông Phan Phương cho biết.

Việc Cục NTBD cấm các ca khúc lưu hành sai lời, tác giả mà không công bố rõ đâu là bản gốc ca khúc cũng khiến dư luận đặt nghi vấn, thắc mắc. “Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên công bố đâu là bản gốc khi có quyết định cấm các bản nhạc sai lời được sáng tác trước năm 1975. Với tất cả các ca khúc không đúng như bản gốc sẽ không được cấp phép lưu hành. Như thế, quyết định sẽ chặt chẽ hơn và dư luận không tranh cãi như thời gian qua”, ông Phan Phương nói.

Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho rằng, Cục NTBD nên công khai bằng văn bản những tác phẩm nào bị cấm. Nếu làm được như vậy thì khán giả biết rõ ràng hơn, mọi việc cũng đơn giản hơn…

Bản gốc ca khúc “Con đường xưa em đi” (tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) nằm trong hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có những ca từ “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài”.

Nhà báo Phan Phương cho rằng, các dị bản của ca khúc "Con đường xưa em đi" sửa lại những ca từ trên có thể là do các ông bầu tự ý sửa để dễ dàng xin cấp phép cho ca sĩ biểu diễn. Việc sửa lời là sai so với bản gốc và vi phạm bản quyền thì bị cấm là đúng. Hiện nay, không chỉ ca khúc “Con đường xưa em đi” mà nhiều ca khúc khác cũng đang đối diện với tình trạng có nhiều dị bản.

“Tuy nhiên, việc tìm hiểu bản gốc và các thông tin về tác giả là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Theo tôi được biết, đơn vị cung cấp thông tin về các ca khúc ra đời trước năm 1975 cho Cục NTBD hiện nay là Sở VHTT TPHCM. Nếu họ cần sự phối hợp từ phía VCPMC, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ”, nhạc sĩ Phan Phương cho biết.

Trước thắc mắc của rất nhiều độc giả rằng, với những ca khúc ca sĩ nam thì hát bằng “anh”, đến khi ca sĩ nữ hát lại chuyển ngôi thành “em” thì có tính là sai lời, là dị bản và có bị…. cấm hay không? Ông Phan Phương cho rằng, điều này thì ngay từ khâu duyệt chương trình, hội đồng duyệt chương trình phải đưa ra biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Trả lời PV VOV.VN, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, ông đã có trong tay 5 bản nhạc gốc của 5 ca khúc đang bị cấm lưu hành hiện nay. “Hội sẽ nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các hội viên và sẽ đưa ra ý kiến sớm về vấn đề này”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết./.