Chicago là vở nhạc kịch nổi tiếng ra đời trên sân khấu Broadway (New York, Mỹ) năm 1975 và được diễn, được dựng lại liên tục cho tới nay, giữ kỷ lục là vở Nhạc kịch Mỹ được trình diễn dài nhất tại Broadway (Mỹ) và West End (Anh), hai trung tâm kịch nghệ lớn nhất thế giới. Trong hơn 30 năm qua, đã có hàng chục phiên bản quốc tế của vở diễn này với nhiều ngôn ngữ khác nhau được dàn dựng. Và mới nhất, chính là bản tiếng Việt, do Câu lạc bộ kịch Buffalo dàn dựng.
Cảnh trong vở diễn. |
Khởi đầu như một vở diễn tốt nghiệp đạo diễn trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Tp.HCM của Nguyễn Khắc Duy, mang nhiều tính thử nghiệm trình độ diễn xuất của các diễn viên và khả năng Việt hóa một vở nhạc kịch nước ngoài, Chicago sau đó đã gây được ấn tượng mạnh tại Cuộc thi Tài năng Đạo diễn trẻ Sân khấu 2013 và đem lại giải Khuyến khích cho Khắc Duy. Sau thời gian thương lượng về bản quyền, Chicago chính thức đến với khán giả Tp.HCM với 4 suất diễn vào các ngày 18-19-28-30/6/2013 tại Nhà hát Kịch Tp.HCM (rạp Công Nhân) số 30 Trần Hưng Đạo, Q.1.
Là một vở nhạc kịch đậm chất Mỹ với nhạc jazz, swing là chủ đạo cùng chất pop-rock đương đại rất hấp dẫn và gần gũi, Chicago nhanh chóng được yêu thích trên toàn thế giới, nhất là sau khi bộ phim dựng từ vở nhạc kịch này giành 6 giải Oscar 2002 (trong đó có giải cho Phim hay nhất và Nữ diễn viên phụ cho Catherine Zeta Jones vai Velma) tuy nhiên cũng là thử thách cho các phiên bản quốc tế khi vừa phải trình diễn âm nhạc các điệu nhảy cho ra chất Mỹ bằng ngôn ngữ bản địa. Tại châu Á, trước đây đã có 2 phiên bản là tiếng Nhật và tiếng Hàn. Bây giờ tới Việt Nam.
Nội dung của vở Chicago có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Roxie, một ca sĩ hộp đêm, giết chết gã tình nhân của mình vì cảm thấy bị lợi dụng. Bị bắt vào tù, cô gặp một nữ ca sĩ khác là Velma - người đã giết chồng và em gái mình khi bắt gặp hai kẻ này ngoại tình ngay trong nhà mình – và nữ cai ngục có tính tình đồng bóng Mama Morton. Cả Velma và Roxie cùng nhau tranh giành vị trí “ngôi sao” trên mặt báo cũng như cảm tình của gã luật sư tham tham Billy Flynn và nữ chủ bút báo lá cải Mary Sunshine để sớm được ra tù. Qua từng xung đột, được thể hiện qua từng bài hát, màn trình diễn, bí mật riêng, tham vọng và cả mưu mô của từng nhân vật được hé lộ. Vở nhạc kịch kết thúc khi cả Velma và Roxie hiểu rằng họ không thể mãi đối đầu nhau và trở thành trò chơi của người khác giữa một nơi đầy cạm bẫy như thành phố Chicago.
Âm nhạc của vở Chicago khai thác nhiều chất jazz thành thị và nhạc cabaret (kiểu hộp đêm, phòng trà) của Mỹ, đòi hỏi các diễn viên vừa hát vừa nhảy múa những vũ điệu đặc trưng của loại hình trình diễn này với rất nhiều động tác có tính khiêu khích. Việc dàn dựng Chicago ở Việt Nam còn khó khăn hơn rất nhiều vì không dễ tìm được các diễn viên hội tụ đủ các khả năng: ca hát tốt, nhảy múa giỏi và cùng lúc đó phải diễn xuất nội tâm rất nhiều. Một số ca khúc trong vở này cũng rất nổi tiếng, được trình diễn nhiều như All That Jazz, Razzle Dazzle, Funny Honey, Cell Block Tango… cũng vô hình là một áp lực lên các diễn viên vốn không hoạt động như ca sĩ chuyên nghiệp.
Nhưng điều bất ngờ là các diễn viên của Chicago, tất cả đều còn rất trẻ, một số vẫn còn đang là sinh viên, đã làm được điều tưởng chừng bất khả trong điều kiện hiện nay. Họ đã hát, nhảy múa, diễn xuất như những diễn viên nhạc kịch thực thụ trên một phiên bản được chuyển ngữ tiếng Việt rất uyển chuyển, do chính Khắc Duy thực hiện. Những khán giả đầu tiên của vở, khi xem tại buổi thi tốt nghiệp và buổi thi đạo diễn trẻ đã rất ngỡ ngàng trước những gì mà các diễn viên chính như Diễm Phương (Velma), Nhã Uyên (Roxie), Hoàng Quân (Billy), Khả Như (Mary Sunshine), Dạ Phong (Mama Morton) và cả đạo diễn Khắc Duy với vai người chồng bị cắm sừng của Roxie.
Các diễn viên của Chicago đã mất nhiều tháng để làm quen với tư duy dàn dựng và biểu diễn mới mẻ, tham khảo thêm các phiên bản nước ngoài cùng sự hỗ trợ của biên đạo múa Tiến Phát, để rồi cùng nhau làm nên một phiên bản Chicago tiếng Việt đúng chất nhạc kịch, đúng chất sân khấu mà không cần phải nhờ đến các ca sĩ chuyên nghiệp. Các diễn viên được chọn đều có giọng hát tốt, và họ hát theo đúng tư duy nhạc kịch (diễn xuất – thoại bằng lời hát).
Tại cuộc thi Tài năng trẻ Đạo diễn Sân khấu 2013, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh đã chia sẻ sau khi xem vở diễn này: “Con đường đưa nhạc kịch Broadway đến với Việt Nam còn gian nan lắm vì đây là thể loại sân khấu rất kén khán giả, chưa quen với thị hiếu khán giả Việt. Tôi rất yêu vở Chicago của Nguyễn Khắc Duy. Các bạn đồng nghiệp trong vở diễn này làm tôi ngưỡng mộ và tôi tin đây là bước khám phá mới để đưa nhạc kịch Broadway đến với giới trẻ tại Việt Nam…”
Chính những động viên như thế đã giúp nhóm sản xuất vở Chicago đưa ra quyết định quan trọng: Đưa Chicago bản tiếng Việt đến với đông đảo công chúng. Đây là lần đầu tiên một đơn vị biểu diễn ở Việt Nam liên hệ mua bản quyền biểu diễn một vở nhạc kịch Broadway. Việc chưa có tiền lệ cũng là khó khăn, vì các yêu cầu của bên nắm giữ bản quyền rất cao, đòi hỏi những yêu cầu dàn dựng như bản gốc. Tuy nhiên, họ cũng rất thú vị khi biết tại Việt Nam, vốn chưa từng là nơi nằm trong tầm quan tâm của họ, lại có đơn vị muốn dựng một vở kinh điển như Chicago. Sau một vài thẩm định và trao đổi qua mạng, giấy phép bản quyền cho Chicago đã được cấp. Điều này mở đường cho Buffalo có thể tiến xa hơn cho những dự án nhạc kịch tương lai./.