Trong cuộc giao ban truyên truyền sáng ngày 19/2/1979 ở Đài Tiếng nói Việt nam (TNVN), Nhà báo Trần Lâm, Tổng Biên tập lúc đó đã nhắc anh chị em văn nghệ rằng, ngoài các tiết mục ca ngợi chung tập thể, những đơn vị chiến đấu dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, nhớ ca ngợi các gương cá nhân đã vì nước vì dân đối mặt với kẻ thù và hy sinh anh dũng. Tấm gương Hoàng Thị Hồng Chiêm ở biên giới tỉnh Quảng Ninh là một điển hình.

liet_si_hong_chiem_ikwv.gif
Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, hy sinh ngày 17/2/1979

Tối hôm đó, tôi trực chương trình với nhạc sĩ Nguyễn An ở 58 phố Quán Sứ. Tôi ngồi vào đàn tìm được một giai điệu hay cho bài hát viết về nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, như gợi ý của Tổng Biên tập Trần Lâm.

Chuyện kể rằng, trong những ngày đầu căng thẳng vùng biên giới, quân địch vẫn thường xuyên khiêu khích, lén lút phục kích bắn về phía ta, thế mà Hồng Chiêm vẫn băng rừng về Móng Cái nhận hàng. Cô mậu dịch viên ở tuổi 25 ấy vẫn kiên định với công việc “làm dâu tăm họ” của mình.

Chiều 16/2, Hồng Chiêm cùng với đồng chí Vượng, cửa hàng trưởng cửa hàng Pò Hèn, từ Tràng Vinh lên để chuyển một số mặt hàng cuối cùng về tuyến sau.

Tối đó, ở lại bảo vệ cửa hàng Pò Hèn có đồng chí Thắng, chủ tịch xã, đồng chí Vượng, Hồng Chiêm và đồng chí Định, y sĩ của bệnh xá Pò Hèn.

Sớm ngày 17/2, Hồng Chiêm và các đồng chí ở lại bảo vệ cửa hàng đã trở thành những người chiến sĩ nơi tuyến đầu của trận đánh.

Theo những nhân chứng, ngay trong những phút đầu của cuộc chiến, Hồng Chiêm chiến đấu vô cùng anh dũng. Với một khẩu K44 và 2 quả lựu đạn, chị đã yểm trợ cho đồng đội lùi sâu an toàn.

Sau khi yểm trợ đồng đội rút lui an toàn, Hoàng Thị Hồng Chiêm tiến về đồn Pò Hèn cùng chiến đấu với anh em chiến sĩ của đồn. 

Thấy các đồng chí của ta bị thương, Chiêm vừa tham gia chiến đấu vừa băng bó vết thương cho đồng đội. Chiêm chiến đấu rất giỏi, mỗi phát súng là một tên địch đổ xuống.

Anh em trong đồn rất bất ngờ với khả năng, bản lĩnh chiến đấu của chị Chiêm.

Thế nhưng, địch quá đông, lực lượng của ta lại mỏng Hoàng Thị Hồng Chiêm đã cùng các chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường, kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Những giờ phút chiến đấu của ngày 17/2/1979 là những giờ phút chiến đấu cuối cùng nhưng oanh liệt nhất của người con gái đất mỏ mang tên Hồng Chiêm.

Những hình ảnh ấy của Hoàng Thị Hồng Chiêm cứ vương vấn trong tôi suốt cả ngày, đêm hôm đó bài hát được hoàn thành. Sáng hôm sau tôi đưa lên hát cho ông Trần Lâm nghe. Ông gật đầu “được đấy”. Tôi về đưa nhạc sĩ Nguyễn An xem, anh bảo nên nhờ Kiều Hưng hát.

Những ngày này, một cuộc thi đua rất thầm lặng nhưng không kém phần sôi nổi. Không chỉ các phóng viên, biên tập viên mà cả các văn nghệ sĩ ở Đài TNVN trong nỗi căm thù giặc ngoại xâm cùng niềm tin tưởng chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta như được nhân đôi.

Hồi ấy, ngoài công việc biên tập các chương trình ca nhạc để động viên quân và dân ta, các nhạc sĩ cũng đã biểu lộ và thể hiện tình cảm của mình trước những dòng tin mà mình nhận được bằng những tác phẩm âm nhạc. Ví như nhạc sĩ Phạm Tuyên viết rất nhanh bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do”, nhạc sĩ Hồ Bắc hoàn thành sớm bài “Hoa hồng trên điểm tựa”, nhạc sĩ Thế Song cuối tháng viết  “Bài ca trên đỉnh Pò  Hèn”…

Những ngày sau đó còn có “Hát về Tổ quốc tôi” (Hữu Xuân), “Những đôi mắt mang hình viên đạn” (Trần Tiến), Lời tạm biệt lúc lên đường” (Vũ Trọng Hối), “Hoa sim biên giới” (Minh Quang), “40 thế kỷ cùng ra trận” (Hồng Đăng) .v.v…

Tôi viết “Bông hoa Hồng Chiêm” bằng chất liệu dân ca miền núi phia bắc, ca ngợi người nữ anh hùng liệt sĩ của đất Quảng Ninh thân yêu:

“Bên hoa hồi, hoa quế thơm rừng biên giớiCó bông hoa Hồng Chiêm thắm đẹpDưới ánh nắng vàng khoe sắc bản làngBông hoa hồng ấy chính là tênMà tiếng thơm lưu muôn thuởCô gái kiên trungCuộc đời nêu sáng tấm gươngMang trong mình hào khí Trưng VươngXinh tươi dịu dàng nhưng ngoan cườngVì nước nonCô đã thở thành người dũng sĩGương diệt thù giữ đất Quảng NinhVà hy sinh anh dũngSông núi hát mãi chiến công này.”
(Lời 1)
Bản nhạc bài Bông hoa Hồng Chiêm của NS Dân Huyền

Thấm thoắt đã 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc 17/2/1979. Bài hát “Bông hoa Hồng Chiêm” cũng đã tròn 40 mùa xuân, nó đã được truyền đi trên làn sóng Đài TNVN trong chương trình ca nhạc 19 giờ 30 tối ngày 22/2 chỉ sau 5 ngày Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh anh dũng. Những ngày này, tôi xin được biết ơn các anh hùng liệt sĩ trong đó có Hoàng Thị Hồng Chiêm đã ngã xuống vì độc lập tự do, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, để cho chúng tôi có cuộc sống bình yên hôm nay./.