Zone 9 là “trường học lớn” cho giới trẻ

Chia sẻ những tâm sự khi biết quyết định của thành phố đóng cửa Zone 9, nhà văn Nguyễn Quý Đức, chủ quán Tadioto ở khu vực này không khỏi nuối tiếc cho một không gian hiếm có của Hà Nội. Ông nói rằng, những người như ông, chỉ lo làm những việc mà mình yêu thích, còn khi thành phố đã ra quyết định thì phải tuân thủ. “Nhưng nếu Zone 9 phải dừng hoạt động thực sự thì tôi rất buồn và tiếc nuối cho một không gian có một không hai ở Hà Nội như thế này. Vì không phải như nhiều người vẫn nghĩ đây là chỗ ăn chơi của giới trẻ mà ngược lại là một trường học lớn cho các bạn trẻ với đủ các lĩnh vực, ngành nghề, từ văn hóa, nghệ thuật đến kiến trúc, thời trang, công nghệ thông tin…”.

nguyen-quy-duc.jpg
Nhà văn Nguyễn Quý Đức đang vẽ tranh tại Tadioto của mình

Nhà văn Nguyễn Quý Đức đã đầu tư mở quán Tadioto ở khu vực Zone 9 cách đây 6 tháng. Hiện ông vẫn đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện không gian quán của mình. Nói về mục đích khi quyết định bỏ tiền của, công sức, tâm huyết đầu tư vào khu vực này, ông cho biết: “Tôi đầu tư vào đây không chỉ bằng tiền bạc, mà còn bằng tình yêu, tâm huyết của tôi, với mong muốn góp một phần nhỏ để xây dựng nên một chốn vui chơi, học tập cho giới trẻ. Tôi mở quán này cũng vì muốn nó trở thành nơi đi về, gặp gỡ của nhiều các cá nhân, tổ chức, thu hút tài năng của mọi lĩnh vực đến đây trao đổi, giao lưu”.

Ông cũng tâm sự rằng, ở Hà Nội, có được một không gian như Zone 9 là rất quý, bởi ông đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng ít có nước nào có được mô hình như ở đây.

Nói về những tai nạn đáng tiếc xảy ra thời gian vừa qua ở đây, ông cho cho rằng: “Những tai nạn ở đây, là do lỗi của người quản lý, thi công, cũng như lỗi ý thức cá nhân của những bạn trẻ đến đây vui chơi, chụp ảnh, chứ cấu trúc của tòa nhà này trần bằng bê tông, tường rất dày nên không thể nói là một khu xập xệ, không an toàn”.

Sau những tai nạn tại đây, ông cùng với nhiều nghệ sĩ, những người chủ cửa hàng ở đây đã đồng tâm tổ chức nhiều hoạt động quyên góp, giúp đỡ những người bị nạn, với mong muốn chia sẻ một phần sự đau thương với gia đình họ, và cũng mong rằng, mọi người sẽ hiểu đúng giá trị của Zone 9.

Khu Zone 9 như một trường học lớn với đủ mọi lĩnh vực

“Nếu thực sự phải đóng cửa khu vực này thì tôi nghĩ sau này ở Hà Nội khó có thể xây dựng lại được một không gian như thế nữa. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đại sứ quán, những nhà làm văn hóa nước ngoài mỗi khi sang Việt Nam thường lui tới đây để gặp gỡ, tổ chức những sự kiện văn hóa. Một xã hội không có không gian văn hóa thì đó là một xã hội đã chết. Vậy nên, tôi mong lãnh đạo thành phố hãy quan tâm đến việc dành cho giới trẻ Hà Nội có một chốn vui chơi, giải trí, học hỏi và cũng để cho những con người tâm huyết ở đây có nhiều cơ hội được giới thiệu cho bè bạn nước ngoài biết tài năng, chất xám của người Việt Nam.” – nhà văn Nguyễn Quý Đức chia sẻ tâm huyết của mình.

Không ai muốn rời bỏ Zone 9

Bất cứ một ai ở Zone 9 đều là một nghệ sĩ, hoặc mang phong cách, cá tính của người nghệ sĩ, từ những người làm nghệ thuật đến những người làm kinh doanh ở đây hay những người thường hay tới đây. Đó là khẳng định của anh Trịnh Tú Tùng, một trong những người đầu tư mở quán “Café 1960”.

Anh Tùng cho biết, anh và mọi người ở Zone 9 đã biết quyết định của UBND thành phố Hà Nội qua báo chí. Hiện anh và mọi người đều chưa nhận được quyết định chính thức nên vẫn chưa tin đó là sự thật, tuy nhiên vẫn chuẩn bị tâm lý trước.

Quán cà phê 1960 của anh Trịnh Tú Tùng mang phong cách hoài cổ

“Mỗi người ở đây ai cũng có cá tính độc đáo, tạo nên những không gian rất thú vị. Cả khu Zone 9 như một vùng không gian nghệ thuật khép kín với nhiều phong cách khác nhau. Hơn nữa các hàng quán kinh doanh ở đây đều có giấy phép và chưa từng có điều tiếng về nạn nghiện hút, hai tệ nạn khác. Nên ai cũng như tôi, đều không muốn rời bỏ Zone 9.” – Anh Tùng cho biết.

Trong trường hợp nhận được quyết định chính thức, anh Tùng sẽ cùng mọi người gửi bản kiến nghị tâm tư, nguyện vọng đến lãnh đạo thành phố. “Chúng tôi đã đầu tư vào đây không chỉ tiền của, công sức, mà còn nhiều tâm huyết, chất xám, sự sáng tạo nên ai cũng muốn gắn bó lâu dài với nó. Hơn nữa, chúng tôi đã tạo dựng được một khu vực có ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ Hà Nội trong việc vui chơi, học tập. Nếu phải rời bỏ chỗ này, thì liệu sau này Hà Nội có được một khu như thế này nữa không?” – Anh Tùng băn khoăn.

Cùng tâm sự với nhiều người ở đây, anh Đào Văn Sơn, chủ một quán café cho biết: “Trước khi quyết định đầu tư mở quán ở đây tôi cũng đã tìm hiểu qua nhiều nguồn từ kết cấu công trình, đến không gian yên tĩnh ở đây. Tôi được biết, những công trình ở đây được xây từ thời Pháp thuộc nên rất vững chắc. Hiện, nhiều khu tập thể ở Hà Nội chưa chắc đã có được kết cấu như vậy. Nếu nhận được quyết định chính thức, chúng tôi sẽ cùng nhau tìm cách kiến nghị đến cấp trên xem xét lại để khu vực này được tiếp tục hoạt động”./.