Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với nguồn kinh phí lên tới 11.277 tỷ đồng đã được Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẩm định. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả và sự cần thiết của một dự án lớn như vậy. Phóng viên VOV phỏng vấn T.S Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam về những vấn đề dư luận đang quan tâm.
Một kế hoạch kỹ lưỡng
PV:Thưa ông, dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với số tiền 11.277 tỷ đồng hiện tiếp nhận 2 luồng ý kiến chính là đồng tình và phản đối. Vậy ý kiến của ông như thế nào?
T.S Nguyễn Văn Cường: Công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được thai nghén từ rất lâu nhưng do nhiều điều kiện của đất nước cho nên mãi đến năm 2007 Thủ tướng Chính phủ mới chính thức phê duyệt. Trước khi phê duyệt cũng đã có nhiều ý kiến thống nhất của các Bộ, ban, ngành, các cấp trong việc xây dựng 1 công trình có tính chiến lược về văn hóa.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án BTLSQG cho rằng: việc xây dựng là cần thiết nhưng không cấp thiết. Dự án được phê duyệt không có nghĩa là phải xây ngay. Chúng ta không nên vì điều kiện khó khăn mà bàn về việc không xây mà nên bàn kỹ để xây thế nào cho hiệu quả.
Cũng không chỉ có Việt Nam, đã có rất nhiều nước xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia và được đầu tư xây dựng rất khang trang. Đây là 1 thiết chế văn hóa rất đặc biệt và cần phải có ở bất cứ quốc gia nào. Do vậy, về mặt chủ trương, mục tiêu của dự án này, chúng tôi thấy hoàn toàn đúng đắn!
PV:Vậy, kế hoach chuẩn bị cho dự án này đã được thực hiện như thế nào?
T.S Nguyễn Văn Cường: Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến nay, quá trình chuẩn bị đầu tư, có một ban chỉ đạo nhà nước đã được thành lập dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện của các bộ, ban, ngành, trong đó Bộ Xây dựng và Bộ VHTT & DL là 2 bộ được giao trách nhiệm phối hợp với nhau thực hiện.
Phần xây dựng hạ tầng, thiết kế kiến trúc thì Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chủ đầu tư và đã triển khai hết sức tích cực. Việc xây dựng bảo tàng bao gồm tiến hành song song cùng với việc tiến hành xây dựng nội dung và hình thức trưng bày. Để làm sao khi chúng ta xây dựng bảo tàng thì việc tổ chức bộ máy nhân lực quản lý hoạt động và khai thác đảm bảo thực hiện đồng bộ và phát huy hiệu quả cao nhất.
Do vậy, cả 2 Bộ cùng phối hợp với các ban ngành khác trong ban chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai phần việc này.
PV:Như vậy là sau 5 năm các công việc chuẩn bị đã tương đối, bước tiếp theo sẽ là khởi công xây dựng?
T.S Nguyễn Văn Cường: Việc Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phần dự án đầu tư xây dựng kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thời gian vừa qua là những bước đi sau 5 năm chuẩn bị và chuẩn bị cho bước khởi công xây dựng. Vấn đề còn lại là chúng ta phải thực hiện làm sao cho đồng bộ, hiệu quả và đạt được các mục tiêu mà Chính phủ giao nhiệm vụ, để làm sao công trình này nay mai khi đưa vào khánh thành và phục vụ nhân dân thì đảm bảo được các yêu cầu cao nhất trong hoạt động cũng như thu hút, giáo dục…đảm bảo được các chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu trong tình hình hiện nay về xây dựng và bảo vệ đất nước.
T.S Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam |
Lo phần “ruột”
PV:Công trình Bảo tàng Hà Nội cho thấy, chúng ta đang xây dựng bảo tàng theo quy trình ngược, tức là cứ xây “vỏ” trước, còn “ruột” thì chưa quan tâm đến. Cho nên, Bảo tàng Hà Nội đã xây xong 2 năm nay nhưng không đủ hiện vật để trưng bày. Với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, phần trưng bày đã được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?
T.S Nguyễn Văn Cường: Chúng tôi đã xác định những phần việc cần phải thực hiện cho dự án này, bao gồm chuẩn bị phần việc trưng bày theo các hệ thống tiến trình lịch sử một cách toàn diện, liên tục và đầy đủ nhất về lịch Việt Nam từ trước đến nay. Bộ VHTT & DL cũng đã chỉ đạo rà soát, kiểm kê, đánh giá, chọn lọc các hiện vật đang lưu trữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để làm sao sử dụng tối ưu nhất trong việc lựa chọn, đưa ra trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Cũng đã có kế hoạch trước mắt và lâu dài, Chính phủ cho phép bên cạnh các hiện vật hiện có với quy mô và yêu cầu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong tương lai thì Bộ VHTT & DL được phép triển khai song song việc bổ sung các tài liệu hiện vật để đảm bảo trưng bày toàn diện và sâu sắc nhất.
Bên cạnh đó, cũng vẫn phải đảm bảo các hoạt động thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử hiện nay để phục vụ nhân dân và làm các chức năng nghiên cứu khoa học.
PV:Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang có rất nhiều bảo tàng, có cần thiết phải xây dựng thêm bảo tàng lớn như vậy và khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng thì vai trò của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sẽ như thế nào?
T.S Nguyễn Văn Cường: Tôi rất trân trọng những ý kiến đó nhưng mọi người chưa nhận được đầy đủ thông tin. Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhằm bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm và trưng bày hiện vật để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập và giảng dạy đồng thời phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước. Chính vì vậy năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định sáp nhập 2 bảo tàng này để đảm bảo hoạt động thông suốt. Những hiện vật từ hai bảo tàng này sẽ được chọn lọc để đưa vào Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tiếp đó là chuẩn bị xây dựng một nguồn lực đào tạo trên cơ sở nguồn lực hiện có hợp nhất giữa bảo tàng thành bảo tàng quốc gia để huy động tối đa nguồn lực này và bổ sung nguồn lực, đảm bảo năng lực trong việc thực hiện dự án cũng như quản lý và phát huy dự án.
Quá trình thực hiện đó, chúng tôi cũng đã tranh thủ kết nối với các bảo tàng trong nước, cũng như bảo tàng nước ngoài, không chỉ bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ, phương pháp quản lý đầu tư, tổ chức trưng bày, mà chúng tôi cũng tổ chức trưng bày các di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc trưng bày trong nước để thu hút nhân dân, bạn bè quốc tế đến tham quan.
Rõ ràng cùng với thực hiện dự án thì quá trình chuẩn bị và hoạt động thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay ở hai bảo tàng cũ đã phát huy được hiệu quả tương đối lớn so với các thời kỳ trước. Nhân dân rất quan tâm tới các vấn đề chúng tôi đưa ra trong đó có các vấn đề lịch sử, chủ quyền biển đảo…Đó là tín hiệu đáng mừng và cũng là 1 tiêu chí thúc đẩy chúng ta khẩn trương thực hiện công trình, đảm bảo các yêu cầu hoạt động của bảo tàng trong tương lai.
Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam |
Các công trình không thể thay thế nhau
PV:Nhiều người dân không ủng hộ việc xây bảo tàng này vì cho rằng chúng ta còn quá nhiều việc phải làm với số tiền lớn như vậy, như là xây trường học, bệnh viện, đường xá… Quan điểm của ông về vấn đề này?
T.S Nguyễn Văn Cường: Đất nước chúng ta còn nghèo, nhưng mà đất nước chúng ta cũng còn phải làm rất nhiều việc. Chúng ta phải cần rất nhiều con đường, cây cầu, công trình để phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta cũng lo rất nhiều bệnh viện, trường học và xây dựng cơ sở vật chất khác để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội, nhưng chúng ta phải hết sức chăm lo cho văn hóa cho các thế hệ người Việt Nam, giáo dục cho các thế hệ trẻ về niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, nhận thức quá trình lịch sử của mình để lấy đó làm cơ sở, nền tảng và gốc rễ cho nhận thức, ý thức và hành vi cuộc sống của mình.
Các công trình không thể thay thế nhau được. Chúng ta không thể làm 1 công trình văn hóa mà lại bỏ làm công trình giao thông, bệnh viện, trường học hoặc ngược lại. Vì vậy, tôi cho là Chính phủ đã xem xét thấu đáo và quyết định đúng đắn. Còn chờ đất nước chúng ta giàu lên, người dân thật sung túc, lúc đó mới chăm lo xây dựng công trình văn hóa, chăm lo văn hóa thì tôi e là muộn.PV:Theo ông, làm sao để số tiền 11.277 tỷ đồng đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát huy được hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát?
T.S Nguyễn Văn Cường:Việc chúng ta làm một công trình lớn đã có sự tính toán của Chính phủ. Chúng ta không thể làm công trình ở mức độ trong điều kiện kinh tế hiện nay để vài chục năm nữa chúng ta lại phá đi xây lại. Khi xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia cũng như nhiều nước đã làm, chúng ta phải tính đến hàng trăm năm. Do vậy, chúng ta nên tự hào là trong điều kiện kinh tế khó khăn nhất của đất nước, chúng ta đã xây dựng thiết chế văn hóa để chăm lo cho nhân dân và công trình đó phải sống mãi với thời gian.
PV: Xin cảm ơn ông!