Nhân lễ kí kết Bản ghi nhớ giữa Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả Hàn Quốc về lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, nguyên Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  về nội dung này.

P.V: Thưa ông, Luật bản quyền tác giả có đến 226 Điều luật về quyền tác giả và quyền liên quan. Vậy theo ông làm thế nào để thực thi các điều luật ấy một cách có hiệu quả?

T.S Vũ Mạnh Chu: Các Điều luật liên quan đến các đối tượng có quyền và nghĩa vụ nào thì những người đấy phải nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về các quy định đó. Để hiểu và biết cũng như điều hành được thì tất cả các giới chức liên quan đến quản lý, thực thi từ cấp trung ương cho tới địa phương…đều phải hiểu để bảo vệ quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình.

manh%20chu%202.jpg
T.S Vũ Mạnh Chu phát biểu trong một hội thảo về bản quyền (ảnh: internet)

Tôi nghĩ rằng không có cách nào khác là công dân và các tổ chức phải tự tìm hiểu Luật. Có một công cụ quan trọng đó là Nhà nước áp dụng các phương tiện, hình thức, biện pháp để tuyên truyền giáo dục… Hệ thống thông tin truyền thông, các lớp tập huấn, chương trình hội thảo, các hội nghị bàn tròn cũng giúp mọi người nâng cao nhận thức hiểu biết hơn về Luật

P.V: Việc sao chép tác phẩm, tài liệu bất hợp pháp vẫn diễn ra phổ biến, mặc dù đã có hẳn một Hiệp hội quyền sao chép ra đời, ý kiến của ông như nào về sự việc này?

T.S Vũ Mạnh Chu: Tôi cho đó là một quốc nạn. Bộ Thông tin - Truyền thông có nhiều biện pháp, văn bản, rồi tổ chức kiểm tra xử lý nhưng vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ nó cũng như trật tự giao thông, di sản văn hóa, đền chùa miếu mạo bị chiếm đoạt đất đai, mất cắp đồ thờ tự…Đây là tình trạng thi hành pháp luật chung ở Việt Nam mà Luật Bản quyền lại quá mới mẻ cho nên đòi hỏi thi hành một cách đầy đủ quả là khó.

Nhưng sự nỗ lực của những người có trách nhiệm, cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức Phi chính phủ, doanh nghiệp mà chủ động tích cực và quyết tâm thì tôi nghĩ là đến lúc nào đó chúng ta sẽ lập lại trật tự này, những vi phạm sẽ giảm đi.

P.V: Ngày 1/11/2012, một số trang web nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam bắt đầu thu phí tải nhạc. Tuy nhiên kết quả ban đầu chưa thực sự như mong muốn của các nhà tổ chức kinh doanh nhạc số. Theo ông thì nguyên nhân cơ bản là gì?

T.S Vũ Mạnh Chu: Tôi rất ủng hộ cho việc này của Hiệp hội công nghiệp ghi âm, họ đã làm thí điểm thu tiền bản quyền trong tháng 11/2012 nhưng kết quả chưa hài lòng, điều này có nhiều lý do. Từ một tình trạng là sử dụng tùy tiện tự do không mất tiền bây giờ phải trả tiền là cả một vấn đề.

Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc phổ biến nhất hiện nay (ảnh: C.H)

Những người thực hiện các biện pháp công nghệ để đưa tác phẩm lên mạng cũng chưa đảm bảo rằng việc tải xuống thì âm thanh chuẩn, không tạp…nhiều khi khách hàng cũng dựa vào lý do đó để không trả tiền. Cuối cùng tôi muốn nói rằng ý thức công dân rất quan trọng.

P.V: Cục Bản quyền tác giả Việt Nam vừa ký bản ghi nhớ về quyền tác giả và quyền liên quan với Cục Bản quyền tác giả Hàn Quốc. Ông có  nhận xét gì về việc thực thi bản quyền của Hàn Quốc?

T.S Vũ Mạnh Chu: Hàn Quốc có một hệ thống về bản quyền tương đối hiện đại. Trong thiết kế về Luật, Hàn Quốc đã đưa được một loạt các quy định mới liên quan đến công nghệ đó là việc bảo vệ quyền tác giả trong điều kiện kỹ thuật số và mạng thông tin điện tử. Nhà nước có thể kiểm soát việc khai thác sử dụng bằng các công cụ phần mềm. Phần mềm ấy có thể kiểm soát được các đối tác của mình thực hiện hành vi tải tác phẩm như thế nào.

Họ còn có một chính sách sử dụng những người khuyết tật, người về hưu để thực hiện các việc kiểm tra và phát hiện ra các hành vi vi phạm trong môi trường số. Họ ký hợp đồng với những người về hưu, người tàn tật, tôi cho rằng đó là chính sách rất ưu việt, rất nhân văn. Những người đó ngồi ở nhà, được trang bị máy tính, luôn lên mạng để kiểm tra xem ai, tổ chức nào, sử dụng của ai để thông báo với các cơ quan có thẩm quyền.

P.V:

Xin cảm ơn ông./.