Tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc và đồng bào Khơ Me ở Nam Bộ là hai chủ đề chính tại tại tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Điển nhấn trong tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” là các hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên, tái hiện không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ và chợ vùng cao phía Bắc, tái hiện hội đua bò Bảy Núi, khánh thành quần thể chùa Khơ Me, tái hiện lễ hội Ok Om Bok… Bên cạnh đó là các hoạt động Hội thảo toàn quốc khu vực phía Bắc “Tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước của làng, ấp, bản, cụm dân cư”; triển lãm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam…

img_2783.jpg
 Họp báo tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hóa Việt Nam”

Chương trình sẽ có sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc với gần 400 người đến từ 12 tỉnh/ thành phố, đại diện cho các vùng miền của Tổ quốc như: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang. 
Ông Lâm Văn Khang, Trưởng Ban tổ chức tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” cho biết: "Các hoạt động đều được xây dựng phối hợp với các địa phương. Chúng tôi đề nghị tuyển chọn và đưa chính các nghệ nhân, già làng, trưởng bản để thực hành nghi lễ. Ở đây có thể phân làm hai khối hoạt động: thứ nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện bằng những hoạt động rất đặc trưng của mình như: Lễ hội Căm Mương (dân tộc Lự - Lai Châu), lễ hội nàng Hai (dân tộc Tày, Cao Bằng), lễ hội Xíp Xí (dân tộc Thái, Sơn La). Và khối thứ hai là các hoạt động của đồng bào Khơ Me, Nam Bộ".
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”  là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm góp phần tôn vinh tinh thần đại đoàn kết, quảng bá đất nước và con người Việt Nam với sự đa dạng, thống nhất bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em đến bạn bè quốc tế./.