Từ sốt sách Mạc Ngôn...

Ngày 12/10 vừa qua, chỉ một ngày sau khi nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc giành giải Nobel Văn học, khách hàng vào trang dangdang.com – trang web bán sách online lớn nhất Trung Quốc thấy sách của ông đều ở tình trạng “hết hàng”. Ngay cả trang mua bán lớn như amazon.cn cũng có chung tình trạng. Mãi ba ngày sau, sách của ông mới “có hàng” trở lại nhưng giá lúc này đã đội lên… 20%.

Nhà văn 57 tuổi người Sơn Đông hiện là niềm vinh dự của cả dân tộc Trung Quốc. Ông là nhà văn Trung Quốc đầu tiên được xướng tên tại giải thưởng văn học lớn nhất hành tinh. Hiện nay, ở Trung Quốc đang có một cơn sốt mang tên “Mạc Ngôn” nhưng thực chất nhà văn này đã được biết đến trên văn đàn từ năm 1987 khi cuốn “Cao lương đỏ” được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim và giành giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin 1988. Năm ngoái, ông cũng giành giải Mao Thuẫn – giải thưởng văn học danh giá của Trung Quốc với cuốn tiểu thuyết “Ếch”.

Vương Phàm, đại diện của website bán sách online dangdang.com cho biết: “Một tuần trước khi công bố giải Nobel, người dân Trung Quốc nín thở chờ đợi, khi đó sách của ông đã bán nhanh hơn 6-7 lần. Khi ông chính thức là chủ nhân của giải Nobel Văn học, tốc độ bán sách tăng lên 10 lần.”

sach%20mac%20ngon.jpg
Sách của Mạc Ngôn được bày ở vị trí trung tâm

Các cửa hiệu sách cũng có chung tình trạng “khan hàng”. Ngày 15/10, tại Nhà sách Bắc Kinh – nhà sách lớn nhất Trung Quốc, người mua đứng xếp hàng dài đợi mua tác phẩm của Mạc Ngôn. Nhân viên phục phục vụ ở đây cho biết tất cả sách đã bán hết từ dịp cuối tuần và sách mới ít nhất cũng phải tuần sau mới về. Nhưng trong suốt một tuần chờ đợi đó, khách hàng liên tục tới hỏi mua và nhân viên nào cũng liên tục phải giải thích cho khách hàng hiểu.

Số lượng sách bán ra tăng vọt bỗng chốc thúc đẩy ngành xuất bản vốn đang ì ạch ở Trung Quốc. Các nhà xuất bản giờ đây bận rộn với việc tái bản các tác phẩm văn học của Mạc Ngôn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một bộ sách đầy đủ 16 cuốn hiện có giá khoảng 600 tệ tương đương 2 triệu đồng, với 100.000 khách hàng đăng ký mua trọn bộ, dự kiến số tiền thu về của nhà xuất bản này lên tới 60 triệu tệ tương đương 200 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhà xuất bản lời nhất trong “thương vụ” lần này phải là Công ty phát triển văn hóa Bắc Kinh. Công ty này đã “thầu” hết các hạng mục kinh doanh như tái bản các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, xuất bản các tác phẩm mới và phát hành ấn bản sách điện tử. Họ cũng sẽ nhận được lợi nhuận phần trăm từ bất cứ bộ phim hay chương trình truyền hình nào chuyển thể hoặc có sử dụng nội dung trong các tác phẩm của Mạc Ngôn. Sắp tới, công ty này sẽ xuất bản một tác phẩm mới của Mạc Ngôn. Sức mua dự đoán ở mức 500.000-1 triệu bản trong lần phát hành đầu tiên. Giám đốc công ty cho biết nhờ vào những tín hiệu đáng mừng này mà công ty sắp được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Giải thưởng Nobel Văn học của Mạc Ngôn rõ ràng đã thúc đẩy sức tiêu thụ trên thị trường sách và chấn hưng ngành xuất bản, phát triển các ngành truyền thông, điện ảnh, truyền hình, quảng cáo... Nhiều nhà sản xuất phim đã liên hệ với Công ty phát triển văn hoá Bắc Kinh để thảo luận về việc chuyển thể các tác phẩm văn học của Mạc Ngôn sang điện ảnh. Các nhà mạng thì mong muốn được mua lại bản quyền của ấn bản sách điện tử.

... Đến "sốt" tất cả những liên quan đến Mạc Ngôn

Giải Nobel của Mạc Ngôn đã khiến nhiều lĩnh vực trong ngành văn hoá - giải trí bỗng trở nên sôi động trong đó có cả lĩnh vực thời trang với nhiều sản phẩm ăn theo như “giày của cha theo phong cách Mạc Ngôn”, “đồng hồ nam theo phong cách Mạc Ngôn”, “váy mùa thu theo phong cách Phong nhũ phì đồn” được quảng cáo rầm rộ trên những website mua sắm lớn nhất Trung Quốc.

Ở huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, các quan chức ngành du lịch địa phương đã bắt đầu công tác phục dựng ngôi nhà cổ của gia đình ông và biến nơi đây thành một địa điểm tham quan văn hóa. Bảo tàng Văn học Mạc Ngôn cũng được mở rộng diện tích, từ hai tầng nâng cấp thành bốn tầng.

Sách của Mạc Ngôn được bày bán trong nhiều các hiệu sách

Trên trang kongfz.com, một trang web chuyên bán sách cũ, cuốn tiểu thuyết “Đàn hương hình” xuất bản năm 2001 có chữ ký của tác giả được bán với giá 188.888 tệ tương đương 620 triệu đồng.

Ông Trần Thiếu Phong, phó viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa của trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Những chiêu thức thổi phồng hình tượng Mạc Ngôn lên để thu về lợi nhuận của một số công ty đã đi ngược lại những giá trị văn hoá mà giải thưởng Nobel văn học tôn vinh đối với Trung Quốc. Ảnh hưởng của giải thưởng đối với thị trường chứng khoán, lợi nhuận của các công ty và thu nhập của một số cá nhân sẽ không có tác dụng lâu dài. Nó chỉ giúp chúng ta, những người dân ở một đất nước đang phát triển có thêm sự tự tin về nền văn hóa của mình. Chúng ta nên tập trung vào những ảnh hưởng mà giải thưởng đem lại cho nền văn hóa, văn học của Trung Quốc chứ đừng tranh thủ kiếm tiền dựa vào danh tiếng của Mạc Ngôn.”

Mạc Ngôn cũng từng trả lời trước báo giới rằng giành được giải Nobel chỉ mang ý nghĩa tạm thời và cũng chỉ thoảng qua như gió thổi mây bay. “Tôi hy vọng người dân của chúng ta thay vì tập trung vào tầm vóc của giải Nobel sẽ chú ý hơn tới nền văn học nước nhà, chuyển từ tập trung vào riêng một nhà văn Mạc Ngôn sang quan tâm tới tất cả những nhà văn đương đại khác của Trung Quốc. Đó mới là điều tôi mong chờ.”./.