Chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu” được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với tỉnh Nghệ An và TPHCM thực hiện tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58, Quán Sứ, Hà Nội); Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) và Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP. HCM. Tới thời điểm này, TP. HCM đã sẵn sàng cho chương trình cầu truyền hình trực tiếp tối nay.

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và 44 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP. HCM đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển đi lên, cùng cả nước, vì cả nước. Thời điểm trong chiến tranh, trên khắp các mặt trận, trên khắp các chiến trường, trên khắp các thôn xóm, đồng bào chiến sĩ miền Nam dù chưa một lần được gặp Bác vẫn luôn hướng theo sự dẫn lối soi đường của Bác và luôn làm theo lời dạy của Người.

Để tưởng nhớ Bác, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Thành ủy Sài Gòn– Gia Định ra lệnh ngừng bắn 3 ngày trong thượng tuần tháng 9 năm 1969 để thọ tang Bác và mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm "Học tập và làm theo Di chúc của Bác". Và nay, trong thời bình, độc lập, tự do, đồng bào, cán bộ, chiến sỹ TP. HCM vẫn giữ nguyên vẹn tình thương yêu đó và nỗ lực hành động để đưa thành phố ngày một phát triển.

Ông Nguyễn Đức Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh TP. HCM cho biết, các hoạt động làm theo lời Bác, thực hiện Di chúc của Người được cựu chiến binh TP.HCM tổ chức thường xuyên, và đặc biệt sôi nổi hơn trong những ngày này. Cựu chiến binh hào hứng tham gia các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của thành phố nhân dịp các ngày lễ lớn và mong chờ nhất có lẽ là chương trình nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu" do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức với một điểm cầu tại Bến Nhà Rồng. Bởi Bến Nhà Rồng luôn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là nơi khởi đầu hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác, đó là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ vật của Bác, đó cũng là nơi trưng bày khái quát con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Cho nên, được thưởng thức một chương trình nghệ thuật quy mô, ý nghĩa tại một địa điểm đặc biệt như vậy là niềm hạnh phúc của nhiều người.

"Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa trong các hoạt động kỷ niệm. Thực hiện sân khấu hóa nhưng đó là sự thật, là những vấn đề mà người dân Việt Nam ai ai cũng khắc sâu tình cảm đối với Bác. Dù chỉ có một số bài hát, không thể nói hết được quá trình hoạt động cách mạng của Bác nhưng là một hoạt động để chúng ta hướng về cội nguồn, hướng về nơi Bác ra đi, hướng về thành quả cách mạng của Bác lãnh đạo toàn dân ta thực hiện trong thời gian qua, tôn vinh giá trị Di chúc của Bác trong 50 năm qua", ông Nguyễn Đức Long cho biết.

vov_img_2914_gxgz.jpg
Ông Nguyễn Đức Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh TP. HCM.

Chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật này, để đáp lại sự mong mỏi, kỳ vọng của khán- thính giả, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, của TP.HCM và từng đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên đều dốc hết sức mình. Trong nhiều ngày nay, các nghệ sỹ luyện tập không ngừng, nắm bắt và đáp ứng ý tưởng của đạo diễn và kịch bản tổng thể chương trình, phối hợp nhuần nhuyễn với các tiết mục diễn ra ở hai đầu cầu Nghệ An và Hà Nội.

Ca sỹ Trà Song Thảo, đại diện nhóm nhạc Son kể, vài tháng trước, khi được mời tham gia chương trình, các thành viên đã rất vui mừng xen lẫn hồi hộp. Sau đó, được đạo diễn Lê Thụy đưa ra ý tưởng trình bày bài hát “Tự nguyện” - một bài hát thành công của nhóm- theo một phong cách hoàn toàn mới, nhóm cảm thấy vừa thú vị, vừa áp lực. Tập luyện bằng tất cả thời gian và sức lực, đến thời điểm này, Trà Song Thảo tự tin cùng các bạn chờ đến khi chương trình chính thức diễn ra. Khi đó, từ TPHCM, nhóm sẽ hát “Tự nguyện” ngay sau “Bài ca hy vọng” ở đầu cầu Hà Nội, như một sự kết nối Bắc- Nam, hào hùng, xúc động, nhiệt huyết. Trà Song Thảo mong muốn cảm xúc đó sẽ đến được với tất cả khán-thính giả của chương trình nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu".

 Nhóm nhạc Son tập luyện cho chương trình
"Rất thú vị khi mà ngay trước đó là “Bài ca hy vọng”. Hai bài này có ý nghĩa tương tự như nhau, một bài là từ miền Bắc gửi vào miền Nam với những ước mơ, khát vọng mong có một ngày được đòan tụ, đất nước liền một dải. Và bài “Tự nguyện” ý nghĩa là từ ước muốn đó mà thế hệ thanh niên tự nguyện hiến dâng cho đất nước. Tôi mong chờ sự xuất hiện của mình trên sân khấu, những người trẻ nhìn vào thấy được một thế hệ thanh niên đi trước đã cống hiến xương máu vì Tổ quốc và nối đến hiện tại thanh niên bây giờ thấy được tinh thần đó để sống hữu ích hơn.", ca sỹ Trà Song Thảo cho biết.

Sinh thời, khi viết những lời trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không dùng từ "Di chúc" mà chỉ dung dị viết là "để sẵn mấy lời". Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng... Hầu như ai, hầu như điều gì cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu. Trong chương trình nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” tất cả những điều đó được xâu chuỗi lại, được sân khấu hóa, được các nghệ sỹ thể hiện một cách chân thực, xúc động nhất.

Nghệ sỹ ưu tú Lê Thụy, tổng đạo diễn chương trình cho biết thêm: "3 điểm cầu TP. HCM - Nghệ An - Hà Nội có mối quan hệ tương tác tốt đẹp, gắn kết hữu cơ chặt chẽ, từ nội dung đến tư tưởng, hình thức tổ chức biểu diễn. Tôi nghĩ đây là chương trình có dấu ấn lớn, có những trường đoạn có thể làm cho khán giả cảm thấy nghẹn lòng khi nghĩ về Bác. Cầu truyền hình của chúng tôi đưa ra thông điệp, đó là "Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Bác đã dạy như thế. Chúng ta phải tự chủ, đoàn kết, thương yêu nhau. Những thông điệp này chúng tôi cố gắng tái tạo, thể hiện rõ ràng và mang tính nghệ thuật cao nhất".

Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho Chương trình nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” ở đầu cầu TP. HCM đã hoàn tất. Các đơn vị của TP. HCM phối hợp với VOV một cách khoa học, chặt chẽ, chu đáo, đảm bảo cho sự thành công của chương trình. TP. HCM đánh giá, đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt thiết thực với người dân thành phố trong dịp này. Thông qua chương trình, mỗi người dân thành phố một lần nữa ghi nhớ công lao của Bác, soi mình vào những điều Bác dạy mà tự phê bình và phê bình, xem xét lại mình một cách nghiêm túc để điều chỉnh, sửa chữa. Và đây cũng là dịp để mỗi người dân tiếp tục học tập, nghiên cứu những giá trị to lớn của Di chúc và biến những nhận thức, tư tưởng, tình cảm cao đẹp của mình thành những việc làm thiết thực, thể hiện lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh./.