Sáng nay (28/4), tại TPHCM, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam”.

vov__2__xuju.jpg
Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ Cải lương. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, kỷ niệm 100 năm phát triển nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam là sự kiện quan trọng của văn hóa nước nhà, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, các nhà quản lý, các nhà khoa học đang đau đáu vì sự phát triển của sân khấu Cải lương.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói: “Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những đóng góp to lớn của nghệ thuật cải lương, của các thế hệ nghệ sĩ cải lương suốt một thế kỷ qua, đồng thời thẳng thắn nhận diện những bất cập, hạn chế, yếu kém; đánh giá đúng những khó khăn thách thức, từ đó tìm ra hướng đi, giải pháp căn cơ, khoa học nhằm thúc đẩy sân khấu cải lương có những bước phát triển bền vững, mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã hoan nghênh các đơn vị đã tổ chức các hoạt động khoa học và hoạt động nghệ thuật thiết thực kỷ niệm 100 năm hình thành, phát triển nghệ thuật Cải lương. Đồng thời nhấn mạnh, đây là cơ hội trăm năm để giới nghiên cứu, quản lý và sáng tạo nhìn lại quá trình phát triển, đánh giá thành tựu, phân tích các yếu tố tác động, làm sâu sắc hơn các bài học lịch sử, rút ra các kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục xây dựng và phát triển bộ môn nghệ thuật Cải lương trong thời kỳ mới.

“Trong tình hình hiện nay, để đáp ứng yêu cầu mới, các cơ quan, đơn vị nghệ thuật đang tiến hành việc tổ chức, sắp xếp lại sao cho hợp lý, hiệu quả. Đây là công việc khó khăn và phức tạp, có tác động nhất định đến các đơn vị nghệ thuật và tâm trạng của anh em văn nghệ sĩ. Nhưng tôi hy vọng với mô hình quản lý mới, với tài năng, tâm huyết và óc sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, nghệ thuật cải lương nói riêng, các loại hình kịch hát dân tộc nói chung sẽ khẳng định được vị thế, chỗ đứng của mình trong đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân cũng như nhu cầu vận động và phát triển của nghệ thuật”, ông Võ Văn Thưởng cho biết.

Hơn 40 tham luận tại hội thảo đã nêu bật những thực trạng của cải lương hiện nay, đồng thời bày tỏ sự quan ngại về thái độ thờ ơ của công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi ở đô thị, về cuộc cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường; sự dịch chuyển hệ giá trị tinh thần, thẩm mỹ của công chúng; về mô hình tổ chức, quản lý nghệ thuật… khiến cho bức tranh sân khấu cải lương có phần ảm đạm, thiếu những gam màu tươi sáng.

Đạo diễn - NSƯT Lê Chức.

Đạo diễn - NSƯT Lê Chức đưa ra nhận định: “Nhiều năm nay Cải lương không được tôn trọng bởi tính chất và cấp bậc văn học bộc lộ trong ca từ và đối thoại không ở mức cao, không đến được với giới trí thức và lớp trẻ. Kịch bản có đề tài về nội dung xã hội, đề tài cách mạng còn khiên cưỡng”.

Tại hội thảo, Nghệ sĩ Linh Huyền cho biết thực trạng thiếu thốn nhà hát hiện nay đã làm sân khấu cải lương rơi vào khó khăn: “Rạp hát xưa tuy không xứng tầm với Nhà hát lớn nhưng đa phần là rạp hát đáp ứng được nhu cầu của Cải lương và thị hiếu khán giả. Chỉ riêng trên địa bàn trung tâm quận 1 của TPHCM đã có những Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, Long Phụng, Kim Châu…

Nghệ sĩ Linh Huyền.

Ngày nay, nhu cầu rạp không đủ cho những đoàn chính quy hoạt động theo quy chế Nhà nước, nên bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật chung cho những tổ chức hoạt động xã hội hóa. Sự thưa thớt các rạp hát làm cho những chương trình nghệ thuật cải lương truyền thống thiếu cơ hội sáng đèn. Nên hiện nay nghệ sĩ phần lớn chỉ dành thời gian tham gia xướng vào những sự kiện hội hè, tiệc tùng…”

Từ thực trạng trên, nhiều tham luận đã mạnh dạn đưa ra các nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý; Giải pháp đổi mới cách tân về nội dung và hình thức, đầu tư cho những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao; Giải pháp hướng về khán giả, chinh phục họ, kéo họ về với sân khấu cải lương… Tất cả đều thể hiện khát vọng chấn hưng nghệ thuật sân khấu cải lương, mang đến cho bộ môn này một vị thế mới trong đời sống xã hội đương đại.

NSND Trần Ngọc Giàu.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết không khó để vực lại sân khấu cải lương nếu như Nhà nước và cả nghệ sĩ phải có tâm huyết: “Chúng ta có một điều mà không làm được đó là không bắt được khán giả đến xem chúng ta diễn. Cải lương phải được đầu tư sân khấu đẹp hơn, lung linh hơn. Chúng ta đã có một đội ngũ nghệ sĩ tài, sắc nhưng hơn nữa cần có một thiết chế văn hóa để tạo ra một nơi cho khán giả đến thưởng thức, mà ở đó người ta có thể cảm thấy thư giãn sau 1 ngày làm việc vất vả hay có thể khoe một chiếc áo đẹp… chứ không phải đến chỉ để xem cải lương”./.