Để tưởng niệm hơn 2 năm kể từ khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản, Hội hữu nghị Fukushima - Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Lễ hội Fukushima với chủ đề “Chắp cánh hữu nghị Việt Nam - Fukushima”. Lễ hội đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 2/11 và sẽ kéo dài tới chiều 3/11.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Shiraiwa Yasuo, Hội trưởng Hiệp hội giao lưu thân hữu Nhật Bản – Việt Nam ở Fukushima chia sẻ: “Thông qua kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giao lưu với Việt Nam từ năm 2011, chúng tôi đã quyết định tổ chức tổ chức Lễ hội Fukushima với mong muốn góp phần phục hồi kinh tế ở Fukushima sau đợt động đất, sóng thần. Chúng tôi đã nhen nhóm ý tưởng thực hiện chương trình này tại đây trong suốt hơn 1 năm qua. Vào tháng 4 năm nay, chúng tôi đã cùng họp bàn để lựa chọn về địa điểm thực hiện chương trình, cuối cùng quyết định lựa chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là nơi lý tưởng giúp chương trình diễn ra thành công”.

img_0049.jpg
Ông Shiraiwa Yasuo (thứ 2, từ phải sang) - Hội trưởng Hiệp hội giao lưu thân hữu Nhật Bản – Việt Nam ở Fukushima
Ông Yasuo cũng cho biết Lễ hội Fukushima không chỉ nhằm tưởng niệm 2 năm thảm họa động đất, sóng thần mà còn là 2 năm rưỡi xảy ra tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Fukushima. Vấn đề khôi phục sau thiên tai vẫn đang diễn ra rất chậm chạp, một trong những nguyên nhân đó là bởi những tin đồn không chính xác, chủ yếu liên quan tới vụ nổ hạt nhân, gây nhiều khó khăn cho Fukushima.“Thông qua lễ hội lần này, chúng tôi không chỉ mang tới những nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của Fukushima cũng như Nhật Bản nói chung, mà chúng tôi còn muốn cho các bạn thấy sự khỏe mạnh, sự an toàn của Fukushima, niềm tin và niềm lạc quan thể hiện qua sức sống của người dân Fukushima. Và nếu điều đó làm giảm bớt những nghi hoặc của quốc tế đối với Fukushima thì đối với tôi, không có điều gì là mãn nguyện hơn”, ông Yasuo bày tỏ thêm.

Tại lễ hội, khán giả tới tham dự miễn phí, được chiêm ngưỡng nghệ thuật cắm hoa, thưởng thức các loại rượu sake đặc trưng của tỉnh Fukushima, ngắm nhìn những màn biểu diễn Yukata, Kimono nhiều màu sắc, và được trực tiếp góp vui trong các điệu nhảy dân gian truyền thống của người dân Nhật Bản tại đây. Bên cạnh đó, khán giả còn được trở thành khách mời để tham gia trong những buổi Trà đạo và hiểu rõ hơn về nghi lễ Trà đạo Nhật Bản.

Một số hình ảnh tại Lễ hội Fukushima:

Linh vật tại lễ hội, biểu tưởng cho sức sống mạnh mẽ, lạc quan của người dân tỉnh Fukushima
Những phụ nữ Nhật Bản xuất hiện trong trang phục Kimono và Yukata truyền thống
Trình diễn nghệ thuật cắm hoa Sougetsu: không bắt buộc người cắm hoa theo hình dáng hay công thức, chỉ cần luôn tạo được sự mới mẻ, và khắc họa được cá tính của người cắm một cách tự do
Rượu sake được trưng bày tại lễ hội, khách tới tham dự có thể thưởng thức hương vị đặc trưng của loại rượu truyền thống Nhật Bản này
Thực hiện các nghi lễ Trà đạo (Chanoyu) là điểm nhấn thú vị nhất của Lễ hội
Rất nhiều những khán giả, là các vị khách Việt Nam, Nhật Bản và khách quốc tế tới tham dự nghi lễ Trà đạo, trong đó có nhiều trẻ em
Tại buổi Trà đạo, người dân Fukushima đã mang tới cả chiếc chén  bằng gốm, in hình hoa văn biểu tượng cho sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
Màn trình diễn những điệu nhảy dân gian truyền thống của người dân Fukushima cũng thu hút nhiều người xem
Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã cùng tham dự với người dân Fukushima trong một điệu nhảy dân gian tập thể sôi động
Những điệu nhảy truyền thống này không những thể hiện một nét văn hóa dân gian đặc sắc của người dân tỉnh Fukushima mà còn bộc lộ niềm lạc quan của họ trước những khó khăn phải đối mặt
Để hiểu rõ hơn về cách đối mặt với thảm họa và niềm tin trước sự khôi phục, vực dậy sau thảm hoa thiên tai, nổ hạt nhân tại Fukushima, người xem có thể theo dõi qua những bức ảnh được trưng bày tại phòng triển lãm ở Lễ hội
...hay tìm hiểu những nét văn hóa thú vị của Fukushima qua các phim tài liệu, phim ngắn được trình chiếu
Nhiều trẻ em còn được tham gia vào hoạt động tô tượng theo những sắc màu truyền thống của búp bê gỗ Nhật Bản
Hóa trang, tạo hình nhân vật ninja tại Lễ hội