Tối nay (1/12), Lễ hội Hoa dã quỳ - Chư Đăng Ya 2017 khai mạc tại huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã tập trung về dự lễ hội lần đầu tiên về loài hoa hoang dại này.          

Từ sớm hôm nay, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã tập trung về làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai để dự lễ hội.

dq1_vov_xbtg.jpg
Không gian lễ hội

Hầu hết du khách đều háo hức chinh phục ngọn Chư Đăng Ya, nơi được coi là “Thiên đường của hoa dã quỳ”, đây cũng là điểm đến hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai năm 2017 theo bình chọn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, du khách đến từ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, việc chinh phục ngọn núi là một thử thách lớn vì núi cao và đường khó đi. Tuy nhiên, cũng như mọi người, chị rất quyết tâm và rất vui khi đặt chân lên đỉnh núi: “Em cùng các bạn tới núi lửa Chư Đăng Ya để chụp hình và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Em nghĩ núi lửa Chư Đăng Ya sẽ là một trong những điểm du lịch tiềm năng của Gia Lai, hoa dã quỳ nở rất đẹp và nó mang đặc trưng riêng của Tây Nguyên.”

Du khách về với lễ hội

Cùng với chinh phục núi lửa Chư Đăng Ya để hòa mình vào “thiên đường của hoa dã quỳ”, du khách đến với lễ hội còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của địa phương như trình diễn cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, thi bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo…

Đối với người dân địa phương, nhất là bà con người Jarai, Ba Na sinh sống ở khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, Lễ hội Hoa dã quỳ đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Những năm qua, bà con chỉ quen với ruộng vườn, sự bình lặng, thì nay bà con đã thực sự sống trong lễ hội, hòa mình vào lễ hội về loài hoa đã tồn tại cùng bà con hàng nghìn năm, trên mảnh đất này.

Các dịch vụ phục vụ du khách tham quan cũng do chính bà con mở ra, những món ăn dân dã như gà nướng,cơm lam, hay đơn giản là củ khoai, củ sắn nướng trở thành đặc sản được du khách yêu thích.

Hoa cỏ lau và hoa dã quỳ là những đặc trưng nổi bật ở Tây Nguyên mùa này.

“Chuẩn bị gần 1 tháng, ai cũng háo hức để chờ lễ hội đến. Hôm nay rất vui mừng đón lễ hội này. Mình đem văn hóa, đặc sản của mình như cơm lam, gà nướng, bộ đồng phục của người Jarai để quảng bá cho du khách. Được mọi người biết đến Tây Nguyên, biết đến núi lửa như thế này, tụi em rất vui mừng”, chị Ksor H’Khal, làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh đi thăm quan lễ hội hoa nói.

Theo ông Nay Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, bước đầu Lễ hội lần đầu tiên về hoa dã quỳ do huyện tổ chức đã thành công khi thu hút được đông đảo người dân, du khách đến tham quan. Đây là tiền đề quan trọng để huyện tổ chức kết nối các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trên địa bàn như Núi lửa Chư Đăng Ya, cánh đồng Chư Đăng Ya- Chư Jôr, thượng Biển Hồ, Biển Hồ Chè, Thủy điện Ia Ly. Đồng thời, những ngôi làng của bà con người Jarai, Ba Na còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cũng sẽ được quan tâm đầu tư để phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững.

Du khách thích thú với các hoạt động trong lễ hội.

“Qua lễ hội này, huyện Chư Păh cũng sẽ xác định việc đầu tư, các chính sách cũng như các chủ trương thu hút, tập trung đầu tư một số nguồn vốn vào vấn đề phát triển hạ tầng du lịch như đường sá, rồi công tác quảng bá. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch thì chúng tôi sẽ kêu gọi xã hội hóa từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có điều kiện đầu tư, khai thác trong thời gian tới đạt hiệu quả”, ông Nay Kiên cho biết./.