Chiến lược của người Hàn
Đã 18 năm trôi qua kể từ khi bộ phim truyền hình Hàn Quốc (HQ) đầu tiên tạo cơn sốt với khán giả Việt. Khi ấy, Mối tình đầuđạt tỷ lệ khán giả xem phim tới 65,8%. Còn nhớ, những bộ phim HQ đầu tiên đều là tặng miễn phí cho khán giả. Tới bây giờ, phim HQ đã được mua nhiều hơn, như xác nhận của nhà phát hành BHD.
Không chỉ phim truyền hình, ca nhạc HQ cũng đã trở thành một thế lực âm nhạc tại VN. Tại Hội thảo bản quyền tác giả VN - HQ diễn ra ở Hà Nội hôm qua 30/5, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc VN, cho biết: “Tính đến nay, chương trình ca nhạc thu được số tiền bản quyền lớn nhất là của Kpop tại một sân vận động nước ta, lên đến 600 triệu đồng”. Tiền bản quyền hiện nay được thu theo phần trăm tiền bán vé. Từ đó cho thấy hấp lực của Kpop tại VN cao tới mức nào.
Mối tình đầu - phim đầu tiên của Hàn Quốc tạo cơn sốt tại VN - Ảnh: T.L |
Có lẽ chính vì thế, người HQ, sau nhiều năm tặng phim truyền hình miễn phí, giờ chắc rằng văn hóa - lối sống Hàn đã thấm dần vào giới trẻ VN nên họ đã mở Văn phòng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả HQ tại VN. Cũng chính họ đã hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho một số chuyên gia của Cục Bản quyền.
“HQ là một nước rất phát triển về văn hóa. Văn hóa của các bạn ấy thu được lợi nhuận. Khi mở cửa giao lưu văn hóa hai nước thì văn hóa HQ sang VN. Họ nhìn thấy lợi ích kinh tế của họ trong việc VN tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan. Đây là giao lưu văn hóa nhưng có lợi ích kinh tế”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, đại diện Đài truyền hình VN, nói.
Ông Phó Đức Phương cho biết Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc VN đã có hơn 55 hợp đồng song phương với các quốc gia khác trên thế giới. “Chúng tôi đại diện cho các tác giả HQ tại VN. Chúng tôi bảo vệ bản quyền âm nhạc nói chung trong đó có cả nhạc phim”, ông nói.
Cam kết đặc biệt
Các chuyên gia HQ không chỉ trích cụ thể ai khi nhận định về thị trường quyền tác giả và quyền liên quan tại VN. Họ nói nhiều đến hiện trạng chung trên thế giới cũng như ở HQ, cũng là điều VN đang phải đối mặt. Ông Jeong Seok-cheol, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Ủy ban Bản quyền tác giả HQ, nói đến sự thay đổi của luận thuyết công nghiệp. Theo đó, trong thế kỷ 21, việc chia sẻ nội dung qua điện thoại thông minh, lưu truyền nội dung truyền hình theo giờ thực tế, chia sẻ liên kết nội dung đang tạo ra nguy cơ lạm dụng quyền tác giả.
Đây cũng là điều truyền hình VN đang phải đối mặt. Việc một số đài địa phương được tiếp sóng miễn phí chương trình hiện đang đẩy VTV vào thế mang tiếng vi phạm bản quyền mà không biết làm sao. Một kinh nghiệm mà ông Kim Ki-bok, Chủ tịch Hiệp hội Người biểu diễn trên sóng truyền hình HQ, chia sẻ là nên có quy định đặc biệt đối với tác giả ghi hình. Những người biểu diễn sẽ cùng ký kết “bản cam kết đặc biệt”, theo đó không chỉ nhà văn, nhạc sĩ được công nhận quyền tác giả mà đạo diễn, người biểu diễn cũng sẽ được bảo hộ quyền này. Theo con số mà ông Kim Ki-bok đưa ra, chi phí tái phát sóng 2 lần sẽ được tính bằng 18-20% thù lao diễn cơ bản. Tái phát sóng 3 lần chi phí tính bằng 12% thù lao diễn cơ bản. Chi phí sao chép phân phối cũng được tính bằng 3 - 5% số tiền bán chương trình cho đài truyền hình hoặc công ty truyền thông. Kết quả là đã thu được tiền chương trình tái phát sóng khá lớn. Nó chiếm quá nửa tiền bản quyền chương trình truyền hình.
“Vấn đề đặt ra không phải là việc thu tiền mà HQ áp dụng công nghệ số. Phía HQ sẽ giới thiệu với chúng ta một số hệ thống để quản lý quyền trên môi trường số và internet. Phải như thế mới có thể thu tiền bản quyền được, vì hiện ta đang thiếu các biện pháp công nghệ để bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan”, ông Vũ Ngọc Hoan, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nói. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được các công nghệ này còn phải mất một thời gian rất dài. “Chúng tôi sẵn sàng bỏ hàng tỉ đồng để nhập bộ đếm số lần phát lại một ca khúc. Nhưng vấn đề là liệu truyền hình có cho chúng tôi cắm thiết bị đó vào cổng kỹ thuật của họ hay không”, bà Trần Thị Trường, Phó giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc, nói./.