Hôm nay (2/7), tại Hà Nội, Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định vai trò to lớn của Ngô Quyền trong cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước. Các đại biểu cho rằng việc Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô, đặt quan chức, triều nghi thời ấy tuy còn đơn giản, nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Vì đây là triều đại mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc Việt, đánh dấu sự chấm hết một thời gian dài dân tộc ta bị nô lệ của phong kiến phương Bắc.

nvq_waei.jpg

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: “Vị tổ trung hưng của đất nước, của lịch sử, dân tộc đã chọn Cổ Loa làm nơi dựng triều nghi và đặt nền móng cho nền độc lập tự chủ của dân tộc. Ý nghĩa của việc sử dụng lại Cổ Loa để làm kinh đô là khôi phục lại quốc thống. Ở đây có một tư tưởng vĩ đại là nối lại quốc thống, truyền thống, mạch phát triển của dân tộc, của lịch sử, đất nước đã bị gián đoạn trong thời đại Bắc thuộc và chống Bắc thuộc”.

Tuy nhiên, hội thảo cũng cho thấy, khối thư tịch cổ viết về Ngô Quyền không nhiều. Dấu tích, chứng tích về Ngô Quyền và vương triều của ông ở Cổ Loa rất ít ỏi, chủ yếu là thần tích hoặc những câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng, quy hoạch về Cổ Loa cần chú ý đến sự đóng góp của Ngô Quyền; việc xây dựng công trình tưởng niệm cho xứng tầm với công lao của ông là điều cần thiết, thể hiện lòng tôn kính của nhiều thế hệ người dân Việt Nam đối với “Ông tổ trung hưng”./.