Sau vài ấp ủ về một tác phẩm điện ảnh theo kiểu bài bản nhưng bất thành, Nguyễn Ngọc Thuần quay về làm phim một mình, với chiếc iPad, nơi anh đóng vai chính với đứa con gái 6 tuổi của mình. Bộ phim "12 bước thành người" (60 phút) đã được LHP Yxine FF 2012 (từ 15/9 - 15/12/2012) chọn chiếu tại hạng mục Phim thử nghiệm cùng với 6 phim Việt Nam và quốc tế.
Nguyễn Ngọc Thuần cho biết anh quay phim này mất 2-3 ngày, dựng trong khoảng 3 tuần, với suy nghĩ “làm cho vui và làm để biết làm phim là như thế nào”. Tất nhiên, khi xem phim xong, phần đông khán giả sẽ thấy đạo diễn không hoàn toàn làm cho vui, mà đây là một cách trải nghiệm về câu hỏi hiện sinh đã ngàn đời: Ta từ đâu đến? Lấy cảm hứng từ thuyết về 12 bước cơ bản để một loài cá tiến hóa thành bò sát, thành vượn người và thành người, bộ phim là một băn khoăn đương thời về câu hỏi này. Nó có khi chỉ là ý nghĩ về việc mang thai và phá thai; về con mình và con hàng xóm; về niềm vui và nỗi buồn; về sự có mặt và vắng mặt… Nhưng cũng có khi to tát hơn, như chuyện loài người và sự sống từ đâu mà ra; về bản sắc của giống loài.
Cảnh trong phim "12 bước thành người" |
Dòng phim độc lập thường mang đậm dấu ấn của đạo diễn, phim này đậm đến mức mà chắc khi xem xong, chúng ta chẳng biết xếp nó vào phong cách hay thể loại nào. Về mặt kỹ thuật điện ảnh, nó “bất tuân thủ” nhiều quy tắc về bố cục, ánh sáng, quay phim và cả dàn dựng. Về chất liệu, nó hòa trộn gần như vô biên, trong đó có clip âm nhạc, phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình, phim tư liệu gia đình… Nó cũng dẹp bỏ phần lời thoại, thay vào đó là lời kể bằng phụ đề, giống như một tự truyện về nhân vật “tôi” và thế giới xung quanh. Có thể gọi đây là “phim - văn học” cũng được.
Về mặt triết lý, có thể vô tình, nhưng phim này đã tỏ rõ sự ảnh hưởng của kịch phi lý, nơi câu hỏi về lý do hiện hữu của nhân vật là không thể trả lời. “Tôi tự đặt cho mình một đầu đề, nếu không có gì hết mà vẫn phải kể một câu chuyện 60 phút bằng hình ảnh thì phải làm sao. Thật lòng tôi chẳng biết làm sao là đúng, là hay nên cứ quơ quào những vật liệu mà mình có xung quanh để cho vào phim, miễn sao đạt đến 60 phút mà theo mình là hợp lý, thì dừng lại” - Nguyễn Ngọc Thuần chân tình bày tỏ.
Về mặt dàn dựng, phim này có thể bị cho là dài quá, nhiều đoạn lan man không cần thiết, nhiều cú máy lê thê, mệt mỏi. Thế nhưng, nếu nhìn về tổng thể, thì sự dài dòng và rối rắm này cũng có lý của nó, phim như một ám chỉ về hành trình làm người, vốn gian nan và phức tạp.
Riêng về góc độ làm nghề, những thử nghiệm như thế này có thể không được nhiều sự ủng hộ của người xem, nhưng đã hé mở (ít nhất cho chính đạo diễn) những biên độ mới của một bộ phim. Và biết đâu, trong vô vàn các thử nghiệm đó, sẽ có một tác phẩm toàn năng xuất hiện, như vậy còn tốt hơn cứ khư khư vài kiểu làm phim già nua, cũ kỹ./.