Trong bối cảnh làng giải trí Việt có những sự việc mang tính chất tự do, tự tung, tự tác, nhiều nghệ sỹ liên tiếp tạo scandal với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Điều đáng lo ngại là lỗi vi phạm ngày càng đa dạng và độ tuổi các nghệ sĩ, những người mượn danh nghệ sĩ ngày càng trẻ hoá thì nhà quản lý đưa ra các chế tài là điều cần thiết.

Bởi vì những ồn ào bấy lâu trong làng giải trí làm dấy lên mối lo lắng không chỉ về sự đảo lộn các giá trị thật-ảo trong làng showbiz, mà còn là sự háo danh, bất chấp mọi giá ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mĩ, tư duy đạo đức và hành động của một bộ phận không nhỏ công chúng trẻ.

ctra2.jpg

Tuy nhiên, việc sử dụng “chiếc gậy” của nhà quản lý sao cho đúng và phải “tâm phục khẩu phục” lại là chuyện đáng bàn khi mà gần đây Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTT&DL liên tiếp bị yếu thế khi các quyết định bằng văn bản của mình bị chính các cơ quan quản lý nhà nước bác bỏ vì không đủ căn cứ pháp lý.

Gần đây nhất là việc Cục ra văn bản hỏa tốc số 131 ngày 7/3 đề nghị tất cả Sở VHTT&DL các tỉnh thành tạm dừng cho phép Hoa hậu  Diễm Hương tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đẹp, người mẫu.

Trong công văn, Cục NTBD đã khẳng định: “Bà Lưu Thị Diễm Hương đã đăng ký kết hôn nhưng không trung thực khi kê khai với các cơ quan quản lý nhà nước và làm hồ sơ tham dự cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2012, việc làm này thể hiện sự cố ý không tuân thủ quy định pháp luật, vi phạm quy tắc về đạo đức của người hoạt động nghệ thuật”.

Hoa hậu Diễm Hương

Pháp luật qui định đương sự vi phạm hành vi nào thì phải bị xử lý hành vi đó. Việc Diễm Hương vi phạm qui chế cuộc thi hoa hậu thì phải xử phạt hành vi này, nhưng Cục NTBD lại xử phạt bằng những hành vi khác bằng cách đưa ra những chế tài “cấm cửa” với một cá nhân, khiến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục KTVB), Bộ Tư pháp phải vào cuộc.

Theo Cục KTVB, Quy chế 87/2008 (cho phép tước vương miện Hoa hậu khi có vi phạm nghiêm trọng) đã bị Nghị định 79 năm 2012 bãi bỏ. Hành vi vi phạm của Diễm Hương diễn ra năm 2012 nên không thể sử dụng để chế tài vì Nghị định 79 đã không qui định rõ ràng vấn đề này.

Vì vậy, không có quy định nào để xử lý hành vi của hoa hậu Diễm Hương, cũng như không có căn cứ pháp luật nào để Cục NTBD ban hành công văn 131 tạm ngưng hoạt động biểu diễn đối với hoa hậu sau scandal gian dối. Đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã khẳng định như vậy trong buổi làm việc chiều 31/3 với đại diện Cục NTBD sau khi Cục KTVB rà soát các văn bản pháp luật hiện. Cục KTVB cũng đề nghị trong vòng ba ngày, phía Cục NTBD phải thu hồi lại công văn 131, nhằm tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.

Như vậy, việc Hoa hậu Diễm Hương gian dối, cố tình vi phạm Luật cư trú, vi phạm qui định cuộc thi hoa hậu, làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trên đấu trường sắc đẹp quốc tế cần phải xử phạt nghiêm khắc là việc cần làm. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vi phạm cần phải tuân thủ nghiêm túc luật pháp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

“Nếu lỗi cho thiếu sót trong khâu soạn thảo văn bản luật pháp thì cơ quan nhà nước phải chịu” – Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật, Bộ Tư Pháp nhấn mạnh.

Như vậy, sau chỉ 1 năm thực hiện, sự yếu kém trong công tác soạn thảo văn bản luật pháp khiến Nghị định 79 có nhiều lỗ hổng pháp lý bởi sự chung chung, nhiều nội dung còn chưa cụ thể, thiếu kín kẽ dẫn đến việc Cục NTBD bị thua kiện trong vụ kiện “Nữ hoàng Biển” và có nguy cơ nhãn tiền phải rút lại lệnh cấm diễn với hoa hậu Diễm Hương vì thiếu căn cứ pháp lý./.