Sau vụ án Minh Béo (Hồng Quang Minh) bị Tòa án Mỹ kết tội “ấu dâm” và trục xuất về Việt Nam 12/2016 thì ở Việt Nam thời gian gần đây càng ngày càng lộ ra rất nhiều vụ “ấu dâm” gây phẫn nộ trong cộng đồng. Tội phạm này vẫn chưa bị trừng trị thích đáng, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật không bị các chế tài quản lý.
Thêm giọt nước tràn ly gây phẫn nộ trong cộng đồng, khi Minh Béo đăng quảng cáo trên trang Facebook cá nhân mang tên Minh Quang Hong, chiêu sinh lớp diễn viên trẻ do chính anh ta đứng lớp với những hứa hẹn chưa có gì kiểm chứng thực tế, trong khi rất đáng nghi ngờ về mục đích.
Phải chăng khi Minh Béo phạm tội “ấu dâm” ở bên Mỹ, nên luật pháp Việt Nam không có chế tài quản lý hay áp dụng các quy định giới hạn với anh ta? Và các cơ quan quản lý văn hóa, quản lý nghệ sĩ không xem tội “ấu dâm” nằm trong quy phạm quản lý của mình?
Hay anh ta đang thách thức cộng đồng, xem nhẹ nhân phẩm, đạp trên những phẩm giá đạo đức của mọi người, khi luật pháp Việt Nam còn nhiều lỗ hổng trong loại tội phạm “ấu dâm”?
Minh Béo bị Tòa án Mỹ kết tội “ấu dâm” và trục xuất về Việt Nam 12/2016 |
Tội “Ấu dâm” không to bằng tội hút thuốc, hở bạo…?
Nhắc lại vụ Minh Béo, tội rành rành, phải tự thú trước tòa, rồi bị trục xuất khỏi Mỹ về Việt Nam giữa tháng 12/2016 sau khi hoàn thành 9 tháng tù giam với các tội danh: Quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi; Toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi.
Vậy mà khi về Việt Nam, anh ta không hề bị bất kỳ cơ quan pháp luật nào ra quyết định quản chế, hay chế tài đối với những hành vi tiếp xúc- tiếp cận trẻ em tuổi vị thành niên. Ở Mỹ, với loại tội phạm này, thường có hình phạt bổ xung như cấm hoặc hạn chế tiếp xúc- tiếp cận trẻ em vị thành niên, hay chỉ được tiếp xúc- tiếp cận trẻ khi có người giám hộ trẻ.
Không những thế, ngay cả các cơ quan quản lý văn hóa có liên quan đến giới showbiz Việt cũng không có một chế tài nào với Minh Béo như cấm biểu diễn ở tất cả các thể loại sân khấu, phim ảnh, quảng cáo…, cấm không được tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, cấm không được giảng dạy nghề…
Hiện tại Minh Béo đã xóa dòng trạng thái tuyển học viên do vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ dư luận. |
Phải chăng tội “ấu dâm” chỉ là chuyện nhỏ? Hay hành vi “ấu dâm” là thuộc về các cơ quan Luật quản lý, nên các cơ quan quản lý văn hóa không xem đó là một trong các vấn đề đạo đức cần xem xét của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?
Trong khi điểm lại trong giới showbiz Việt, gần nhất là chuyện cô hoa hậu Kỳ Duyên, chỉ vì bị ai đó tung lên mạng hình ảnh cô hút thuốc, cô hơi phóng túng trong sinh hoạt, thế là ngay sau đó cô bị rất nhiều “án”, “lệnh” cấm, không những không được trao vương miện cho hoa hậu “đời” kế tiếp, còn bị cấm xuất hiện trong những sự kiện mang nhãn “hoa hậu”, hay bị rút ra khỏi vài cuộc biểu diễn thời trang, vài sự kiện cộng đồng khác.
Ngược lại một số vụ khác trong giới showbiz, phần lớn bị phạt (ngoài phạt tiền) còn bị “treo” không được biểu diễn trong một thời hạn khi chỉ là do thi hoa hậu chui ở nước ngoài (dù đọat giải cao), hay do sự cố hở- tụt- xuyên thấu- trong suốt… trong trang phục biểu diễn, hay hát nhép trong một show diễn…
Và khi “ấu dâm” chỉ là chuyện nhỏ, không bằng chuyện Hoa hậu hút thuốc, giới showbiz hở bạo… Minh Béo mới xem như chưa có chuyện ô nhục đạo đức, chưa có chuyện nhân phẩm xấu xa, vẫn cứ tự đắc xưng là “thầy”, mở lớp chiêu sinh các em thanh thiếu niên tài năng nghệ thuật.
Nên với một kẻ phạm tội “ấu dâm” như Minh Béo, các cơ quan quản lý văn hóa ngoảnh mặt làm ngơ (?!)
Minh Béo có bị hạn chế quyền công dân Việt Nam?
Khi tội “ấu dâm” ở Việt Nam bị xem nhẹ…
Theo thông báo mới nhất của LHQ, tháng 3/2017, về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam, cứ 4 trẻ em thì có 1 em là nạn nhân của xâm hại và có ít nhất 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố cáo mỗi năm.
Và nếu theo dõi các vụ án ấu dâm từ trước tới nay ở Việt Nam, tuy luật có khung hình phạt rất cao, nhưng gần như chưa có vụ nào tội phạm bị phạt ở khung cao nhất, thậm chí rất nhiều vụ bị bỏ qua theo kiều hòa giải, biến một vụ án hình sự thành một vụ dân sự.
Hiện tại, đang có rất nhiều vụ “ấu dâm” được đưa ra ánh sáng, nhưng để truy tố hay xử là có tội theo luật thì rất gian nan, có nhiều vụ nếu chiếu theo luật thì gần như không thể xử được vì thiếu nhiều yếu tố cấu thành tội phạm (như nhân chứng, vật chứng, pháp chứng, pháp y…).
Chưa kể, lọai tội phạm này theo cách nghĩ của người Việt Nam, sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai sau này của đứa trẻ nếu như công khai tố cáo tội phạm. Vì những thông tin về vụ án thường bị truyền thông, thậm chí cả luật sự cũng khai thác và đưa lên báo chí, hay mạng xã hội..
Lại trông sang xứ người, với tội phạm “ấu dâm”, dù chỉ mới là tàng trữ ảnh, video clip, nhưng đã bị phạt rất nặng. Vụ án mới nhất, chỉ cách đây 3 ngày, 17/3 (giờ Mỹ), Đại tá không quân Mỹ William Jones đã bị tòa án tại South Carolina tuyên có tội trong vụ chứa hình ảnh khiêu dâm trẻ em và chịu án tù 12 tháng, khai trừ khỏi lực lượng Không quân Mỹ.
Trong bản thông báo mới nhất của Liên Hiệp quốc về tội phạm “ấu dâm” ở Việt Nam, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú tại Việt Nam phát biểu: "Cần phải chấm dứt việc không xử lý các thủ phạm gây bạo lực, xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em và những vụ như vậy cần phải được điều tra và khởi tố”.
Quay trở lại với chuyện Minh Béo, thiết nghĩ các cơ quan Luật Việt Nam cũng nên tham khảo bản án của Tòa án Mỹ với Minh Béo để có những chế tài với anh ta. Làm sao có thể chắc chắc anh ta thôi không phạm tội “ấu dâm” nữa?
Riêng với các cơ quan quản lý văn hóa, quản lý nghệ sĩ biểu diễn, quản lý trung tâm nghệ thuật, cần đưa ra những quy chuẩn đạo đức rõ ràng, nhất là với loại tội phạm “ấu dâm” như Minh Béo, phải cấm anh ta không được hoạt động liên quan đến việc giảng dạy tài năng trẻ hay các hoạt động nghệ thuật liên quan đến trẻ vị thành niên./.
LHQ khuyến khích tất cả mọi người, là nạn nhân hoặc nhân chứng của bạo lực trẻ em gọi đến đường dây nóng trợ giúp trẻ em 1800 1567 để nhận được tư vấn và hỗ trợ cần thiết.
Ở TPHCM, liên quan đến việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, người dân có thể gọi ngay vào đường dây nóng Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM: 18009069 hoặc Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TPHCM: 1900545559. Thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan công an để điều tra và chuyển đến Chi hội Luật sư Bảo vệ Trẻ em TPHCM để tiến hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho gia đình người bị hại.