Sáng 24/5, ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã triệu tập cuộc họp để triển khai chỉ đạo về những vấn đề của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Tại cuộc họp của Bộ VH-TT-DL do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD đã nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc gây bức xúc trong xã hội vì cấp phép các ca khúc trong thời gian vừa qua.

nguyen_dang_chuong_ysxx.jpg
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD. Ảnh: LĐ

Sau khi nhận trách nhiệm trước Bộ trưởng, ông Chương cũng xin lỗi độc giả đã theo dõi các thông tin trên trang của Cục này vì đã gây ra những hiểu lầm bức xúc không đáng có.

Bình luận về vấn đề này, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, nếu chỉ xin lỗi thôi chưa đủ. Những sai sót của Cục NTBD là sai có hệ thống. Cách quản lý của người đứng đầu Cục NTBD cho thấy đó là một người thiếu trình độ, kỹ năng quản lý văn hóa. Một lời xin lỗi cũng không thể khiến dư luận cảm thông được.

Từ vấn đề này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đặt ra câu hỏi về công tác cán bộ.

“Tôi nghĩ rằng hàng loạt sự kiện ở các cấp từ trung ương đến địa phương hôm nay chứng tỏ công tác cán bộ đang có vấn đề. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát ngàn tỷ đồng, bị truy cứu trách nhiệm bỏ trốn ra nước ngoài. Trường hợp ông Đinh La Thăng cũng thế, do quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Giờ đây là trường hợp ông Nguyễn Đăng Chương, một Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn coi sóc nghệ thuật của cả nước. Chức vụ ấy đòi hỏi một người phải hiểu biết nghệ thuật, luật pháp cơ bản nhất. Nhưng ông Nguyễn Đăng Chương đã đùa cợt với nhân dân, Quốc hội và Hiến pháp khi cho phép phổ biến bài Quốc ca. Quốc ca đã được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất phê chuẩn và được ghi vào Hiến pháp. Trình độ, nhận thức một Cục trưởng như thế chứng tỏ thiếu hiểu biết về luật pháp. Việc làm của ông ta đã biến một việc nghiêm túc và thiêng liêng khi nhìn vào Quốc ca, thành trò cười cho nhiều thành phần xã hội. Chọn một Cục trưởng như vậy, thực là đã chọn một người kém hiểu biết, gây sai lầm khó có thể tha thứ."

Nhà văn Nguyên Văn Thọ cho hay, với 45 năm tuổi Đảng, và cũng từng đó thời gian theo Đảng, vào Đảng trong bom rơi đạn nổ, ông cảm thấy bị tổn thương. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tha thiết đề nghị Đảng (Bộ Chính trị) nên xem xét kỹ vấn đề này, chấn chỉnh lại tất cả guồng máy. Bởi đây là vấn đề gốc rễ, sinh ra nhiều sai lầm trên con đường xây dựng Đảng và các bộ máy tổ chức Nhà nước.

Liên quan đến việc cập nhật phổ biến 300 ca khúc nhạc đỏ, NSND Thu Hiền cũng tỏ thái độ sửng sốt khi nghe tin bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, … vừa được thông báo phổ biến rộng rãi. Nghệ sĩ gạo cội cho hay, không ai đủ thẩm quyền "cấp phép" cho những ca khúc cách mạng truyền thống như thế!

NSND Trung Đức và NSND Thu Hiền. Ảnh: Hải Bá

“Những ca khúc như Chào em cô gái Lam Hồng, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, người nào đủ thẩm quyền để cấp phép? Đây là những ca khúc đã đi cùng năm tháng với dân tộc, ra đời trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ra đời trước cả những người làm lãnh đạo hiện nay. Những ca khúc này đã từng cùng hàng nghìn người lính ra trận. Cả đất nước thời điểm đó cùng hát “Chào em cô gái Lam Hồng”, cùng “Tiến quân ca”, cùng vỡ òa trong niềm vui và ngân nga “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Vậy thì vì sao phải mất thời gian bàn cãi về việc phổ biến hay không phổ biến. Theo tôi, chỉ có nhân dân mới xứng đáng là người cấp phép cho những bài hát này”, NSND Thu Hiền cho biết./.