1. Bài ca người giáo viên nhân dân(nhạc sỹ Hoàng Vân)

Đây là bài hát nổi tiếng nhất viết về đề tài sư phạm từ trước đến nay và dường như đã trở thành "ngành ca”. Nhạc sỹ Hoàng Vân không miêu tả công việc cùng những nghĩ suy, trăn trở của giáo viên nói chung mà chỉ muốn khắc họa đôi nét, chủ yếu là cảm xúc, trạng thái vui tươi, yêu đời của một đối tượng cụ thể: những cô giáo trẻ. Bởi vậy, không thấy nét trầm mặc của giai điệu mà thay vào đó là sự hồn nhiên, trong sáng của một điệu trưởng với tiết tấu hơi nhanh (allegretto) rất phù hợp với nội dung văn học biểu hiện trong lời ca. Người đầu tiên hát bài này rất thành công này là ca sĩ Mỹ Bình.

2. Ước mơ xanh(nhạc sỹ Lệ Giang)

Bài hát "Ước mơ xanh" chính là tác phẩm âm nhạc đầu tay của Lệ Giang, được sáng tác vào khoảng năm 1977,  khi đang là một cô giáo ở Gia Lâm (Hà Nội). Câu chuyện mà tác giả kể rất giản dị về một cô gái trẻ ước mơ làm cô giáo và ước mơ ấy đã thành hiện thực. Ngay từ lần đầu tiên được thu thanh và phát trên sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam, qua giọng ca trong trẻo, cao vút và truyền cảm của ca sĩ Phương Nhung, bài hát đã có sức cuốn hút, lay động hàng triệu trái tim, cả những người chưa một lần đứng trên bục giảng.

3. Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi(nhạc sỹ Văn Ký)

Nguyên mẫu cô giáo Tày trong bài hát này chính là cô giáo Tô Thị Rỉnh, người được tuyên dương tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 năm 1966. Tuy nhiên, nhạc sỹ Văn Ký đã không nhắc đến tên cô giáo Rỉnh để tạo cho tác phẩm của mình một ý nghĩa khái quát. Hình tượng cầm đàn (cây đàn tính của người Tày) còn là biểu tượng của văn hóa nghệ thuật – những giá trị tinh thần cao quý mà Đảng và Nhà nước muốn mang đến cho đồng bào các dân tộc vùng cao.

Bài hát lần đầu tiên được thu thanh do Tốp ca nữ Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương, vốn là tốp nữ hát hay nhất vào thời điểm đó, thể hiện.

4. Bụi phấn (nhạc sỹ Vũ Hoàng)

Bài hát này nhạc sỹ Vũ Hoàng sáng tác cách đây tròn 30 năm, đúng dịp 20/11/1982, tại trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM. “Tôi sáng tác chung với anh Lê Văn Lộc về một hình tượng thầy giáo đã lớn tuổi, tóc bạc màu theo bụi phấn. Bụi phấn trên bảng dính vào tay thầy, rồi thầy sơ ý vuốt lên tóc… Hình tượng đó rất đẹp, và nó sẽ là mãi mãi...”, nhạc sỹ Vũ Hoàng chia sẻ.

Là một bài hát dành cho thiếu nhi nhưng nhiều nghệ sỹ cũng đã thể hiện lại ca khúc này rất sâu lắng và xúc động.  Bản thu âm dưới đây cho ca sỹ Mai Khôi và Đức Huy thể hiện.

5. Người thầy(nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy)

Với ca từ, giai điệu tha thiết và chân tình, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy đã khắc họa rõ nét hình ảnh “Người thầy” trong tâm thức của mỗi thế hệ học trò: “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy…” Bài hát mang đến cho người nghe suy ngẫm đến lặng người về cuộc đời của người thầy. “Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi. Vẫn chiếc áo xưa choàng đôi vai. Thầy vẫn đi, buồn vui lặng lẽ...” Bài hát do ca sỹ trẻ Duy Khoa và nhóm M4U thể hiện.

6. Mong ước kỷ niệm xưa(nhạc sỹ Xuân Phương)

Là một ca khúc viết cho bộ phim truyền hình “Xin hãy tin em”, nhưng sau đó, “Mong ước kỷ niệm xưa” đã vượt ra khỏi bộ phim trở thành một bài hát độc lập được rất nhiều người yêu thích, từng lọt vào Top Ten Làn Sóng Xanh. Với giai điệu tha thiết, sâu lắng, bài hát nói lên tâm trạng nuối tiếc của những học trò khi phải chia tay thầy cô, bạn bè và mái trường: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại...”. Tam ca 3A (Ngọc Anh – Minh Anh – Minh Ánh) là nhóm nhạc đầu tiên thể hiện ca khúc này và cho đến nay vẫn là những người hát thành công nhất./.