Người điều hành Cục NTBD hiện nay cho hay, cần có những thay đổi về các quy định trong biểu diễn nghệ thuật hiện nay.
Thứ trưởng Vương Duy Biên. |
Thứ trưởng Vương Duy Biên được giao trách nhiệm điều hành Cục NTBD giữa lúc đơn vị này đang vướng vào nhiều lùm xùm, tai tiếng, vì thế công việc đặt ra với ông quá nhiều và đòi hỏi phải làm ngay, làm sớm.
Sáng cuối tuần ở phòng làm việc của ông tại Cục NTBD, Thứ trưởng Vương Duy Biên vẫn bị nhiều PV đến “làm phiền”. Tuy nhiên, ông vẫn vui vẻ trả lời mọi “chất vấn” của báo chí, với những trăn trở và mục tiêu đặt ra trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ điều hành Cục NTBD, điều đầu tiên ông bắt tay thực hiện là việc kiện toàn lại bộ máy, rà soát lại năng lực của cán bộ thực thi pháp luật và các văn bản quy định của Cục NTBD trước đây.
Liên quan đến việc cấp phép các bài hát và những hệ lụy ồn ào mới đây, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, thời gian tới Cục NTBD sẽ đề xuất việc phân quyền quản lý bài hát cho địa phương, cụ thể là các Sở VH-TT&DL.
Thứ trưởng Vương Duy Biên chính thức điều hành Cục NTBD
“Trước đây, công tác quản lý ca khúc đã được giao cho các Sở địa phương rồi. Nhưng sau đó lại có sự thay đổi và quy đầu mối về Cục. Theo tôi, việc phân quyền này sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các đơn vị tổ chức biểu diễn trong việc xin cấp phép, tránh việc đi lại phiền hà và tránh tình trạng quyền tập trung, Cục NTBD phải kiểm soát quá nhiều đầu việc. Trong trường hợp, có những sự việc phức tạp xảy ra tại địa phương mà cơ quan quản lý văn hoá không giải quyết được, hoặc vượt thẩm quyền thì Cục mới can thiệp”, ông nói.
Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: “Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những bài hát nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Riêng những bài hát sáng tác trước năm 1975 tại khu vực phía Nam, Cục NTBD sẽ tiếp tục rà soát để phân loại và cập nhật thường xuyên trên website của Cục. Nếu bài hát nào chưa xác minh được hết các dữ liệu như ca từ gốc, tác giả, thời gian ra đời… thì sẽ chú thích là “chưa xác định” để công chúng tiện theo dõi”.
Với nghệ sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài, trước đây, chúng ta cứ quy định cấp phép cho nghệ sĩ diễn cho một tổ chức, sau đó công ty khác mời họ lại xin lần nữa. Nó gây nhiêu khê, nghệ sĩ lại không được làm chủ số phận mình, bị phụ thuộc vào công ty A, công ty B. Bây giờ mình đơn giản hóa bằng cách cấp phép cho nghệ sĩ. Như thế nghệ sĩ muốn biểu diễn ở đâu sẽ thỏa thuận với công ty đó. Cái này sẽ phải điều chỉnh. Chúng ta phải làm thế nào để nghệ sĩ cảm thấy được tôn trọng".
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, công tác kiểm duyệt chương trình cũng cần được xem xét lại. “Lâu nay, công tác kiểm duyệt chương trình vẫn còn nặng về hình thức, gây khó khăn cho BTC. Thậm chí có những chương trình không thể kiểm duyệt được vì có những nghệ sĩ nước ngoài, sát giờ diễn họ mới đến, thì kiểm duyệt làm sao được? Thực tế, việc kiểm duyệt không lo về nội dung vì người kiểm duyệt đã nắm được nội dung, danh sách bài hát, nhân thân nghệ sĩ. Chỉ có mỗi khâu trang phục là cần để ý, nhưng cái này cũng khó. Lúc tổng duyệt, nghệ sĩ mặc rất kín đáo nhưng đến đêm diễn lại mặc một kiểu khác có khi hở hang hơn thì việc kiểm duyệt trước đó coi như là không có hiệu quả. Vì thế, bây giờ, chúng ta cần thực hiện công tác hậu kiểm để BTC chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm với chương trình của mình.
Đối với việc cấp phép các vở kịch sân khấu, Cục NTBD chỉ cấp phép một lần thay vì 1 năm như trước đây. Sau khi được cấp phép, vở kịch đó sẽ được phép sử dụng nhiều lần, nhiều nơi mà không cần phải đi xin them giấy phép. Tuy nhiên, người (đơn vị) sử dụng tác phẩm đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu vi phạm bản quyền, tự ý thay đổi nội dung vở kịch.
“Việc cấp phép một lần đối với các vở kịch là hoàn toàn hợp lý. Có những vở diễn kinh điển một năm diễn mấy lần mà lần nào cũng bắt người ta đi xin giấy phép thì rất bất cập”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Cũng theo ông, nhiều người đẹp Việt Nam đã phải chịu mang tiếng oan đi thi chui. “Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu lại tiêu chuẩn hoa hậu, người mẫu đi thi ở nước ngoài. Trước đây, tiêu chuẩn theo yêu cầu là phải đạt danh hiệu chính thức trong nước, có vẻ đẹp tự nhiên mới được đi thi thì bây giờ so với thực tế đã trở nên không phú hợp. Nhiều thí sinh đáp ứng được tiêu chí khi đi thi lại trượt giải trong khi các thí sinh mang tiếng thi “chui” lại đạt giải cao. Nếu phạt họ là vô lý, bất cập. Từ thực tế đó mình phải thay đổi, tạo điều kiện cho người ta. Bên kia chấp nhận là cho đi thi. Đi thi xong về thì báo cáo cho cơ quan quản lý biết hoạt động của họ, coi như hình thức hậu kiểm”.
Người đẹp Nguyễn Thị Thành từng bị phạt vì không đủ tiêu chuẩn để được cấp giấy phép đi thi hoa hậu quốc tế. Ảnh: H.B |
Một vấn đề được Thứ trưởng Vương Duy Biên đặt ra, đó là việc đưa các bộ môn nghệ thuật sân khấu vào Nhà hát Lớn đã thực sự phù hợp? Ông nói: “Chúng ta cần hiểu, người Pháp đã tạo ra một không gian rất riêng cho Nhà hát Lớn, cần phải lựa chọn những thứ phù hợp để đưa vào đó. Chứ không phải tất cả mọi thứ đưa vào Nhà hát Lớn đều hay, đều hiệu quả. Bộ VH-TT&DL đã có những không gian dành riêng cho từng bộ môn đặc thù: Rối có Nhà hát Múa rối Trung ương, tuồng có Rạp Hồng Hà, chèo có rạp Kim Mã, ca múa nhạc có Âu Cơ, Thăng Long … Còn Nhà hát Lớn chỉ phù hợp với những chương trình như Opera, giao hưởng, vũ kịch, …".
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, song song với việc rà soát văn bản quản lý nhà nước để đưa ra hướng điều chỉnh sửa đổi thì sẽ rà cả nhân sự, xem xét các phòng ban hiện nay đã thực sự hợp lý? Những bất cập về vấn đề nhân sự xảy ra như hiện nay rõ ràng công tác tham mưu có vấn đề, phải xem lại đội ngũ tham mưu./.