Ngày 9/12 tới, Nhà hát Lớn sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và đón nhận bằng Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. 

Chứng nhân cho những sự kiện quan trọng của đất nướcTừ khi hoàn thành năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội như một chứng nhân lịch sử đặc biệt, chứng kiến những sự kiện lịch sử và văn hóa diễn ra tại Hà Nội suốt 100 năm qua, in sâu vào Thủ đô một cái bóng cổ kính. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo dựa trên kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhto với kiểu lâu đài Tuylory và Nhà hát Opera de Paris.

trang-tri.jpg

Chi tiết trang trí bên trong của Nhà hát Lớn

Nhà hát Lớn chính là chứng nhân chứng kiến sự ra đời nền kịch nói Việt Nam, với vở kịch “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long. Từ chỗ là chứng nhân văn nghệ, đến chiều 17/8/1945, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành chứng nhân của lịch sử cách mạng, chứng kiến lá cờ đỏ Sao Vàng tung bay và bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao vang lên qua tiếng đàn Acmonium của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu trong lễ mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh.

Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa thắng lợi bắt đầu từ khối người tuần hành ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà hát đã trở thành nơi hội họp của Chính phủ, quân đội, văn nghệ sĩ... Sau 9 năm kháng chiến, ngay từ cuối tháng 10/1945, Nhà hát lại tiếp tục là chứng nhân cho những sự kiện lịch sử và văn hóa cách mạng diễn ra.

Tượng sư tử đá có cánh trên nóc Nhà hát lớn Hà Nội

Những năm sau ngày thống nhất, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn tiếp tục là nơi chào đón những chương trình âm nhạc đặc biệt; nơi tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, lễ kỷ niệm mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, trong đó có buổi đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân…

Công trình kiến trúc độc đáoTồn tại tròn 1 thế kỷ, Nhà hát Lớn hiển hiện như một trong những vẻ đẹp tiêu biểu, được coi là sầm uất nhất của Thủ đô ngàn năm tuổi. Cho đến nay, việc xác định tác giả thiết kế kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn chưa rõ ràng. Theo ghi chép trong cuốn sách “Nhà hát Lớn Hà Nội – vẻ đẹp tròn thế kỷ”, kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội khá hoàn hảo, quy củ, có sự thống nhất cao và đặc biệt hơn cả, không giống một toà nhà nào khác đã xây cất ở Hà Nội, Sài Gòn, ở Đông Dương hay châu Âu.

Phần mái của Nhà hát Lớn Hà Nội

Kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội không sao chép kiến trúc Nhà hát Garnier ở Paris xây dựng trước 3 thế kỷ. Opéra de Paris có quy mô vượt trội với 2.500 chỗ ngồi, một toà nhà đồ sộ, nguy nga trang trí sang trọng. Có lẽ không một nhà hát nào trên thế giới có thể sánh với Paris. Kiến trúc Nhà hát lớn Hà Nội có những giá trị tự thân, xứng đáng đứng trong danh sách những nhà hát dạng kinh điển đặc sắc của thế giới.

Về những giá trị kiến thức – đô thị - cảnh quan: Nhà hát Lớn Hà Nội cho đến nay vẫn là một công trình biểu diễn nghệ thuật lâu đời, tiêu biểu nhất, trang trọng, phù hợp với các chương trình nghệ thuật sân khấu và âm nhạc đẳng cấp, đáp ứng trình độ biểu diễn quốc tế.

Trùng tu trung tâm văn hóa của Thủ đôKiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người phụ trách công trình tu bổ Nhà hát Lớn kể: Từ nhu cầu thực tế và nhằm tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp năm 1997, Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa Thông tin thực hiện trùng tu và nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định việc đầu tư tu bổ, nâng cấp Nhà hát Lớn, tạo điều kiện để công trình này trở thành một trung tâm văn hóa lớn của Thủ đô và cả nước, có đủ kiều kiện đón tiếp và tổ chức các buổi trình diễn trong nước và quốc tế với chất lượng cao. Ba nội dung lớn của dự án được thực hiện gồm: Tu bổ, nâng cấp kết cấu, kiến trúc và nội thất; Tạo lập các hệ thống kỹ thuật, các hệ thống thiết bị hiện đại và Tôn tạo môi trường bao quanh tương xứng với công trình.

Nhà hát Lớn Hà Nội của những năm 20 (ảnh tư liệu)

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Việt kiều ở Pháp, Công ty Kiến trúc H&H đảm nhiệm việc thiết kế kiến trúc và thiết kế thi công công trình này. Những hạng mục và phần việc đã thực hiện gồm: Trùng tu và phục chế toàn bộ diện mạo kiến trúc bên ngoài và bên trong công trình, các hoạ tiết trang trí cùng các thành phần kiến trúc – hình khối đặc trưng đã được tu sửa, phục chế và trả lại vẻ đẹp từng có.

Theo Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, công việc phục hồi mái nhà hát cực kỳ phức tạp: Phục nguyên toàn bộ mái lợp bằng ngói ardoises khai thác ở Lai Châu; phục chế các đường viền trang trí các vòm nóc và hình con sư tử huyền hoại bằng kẽm như gốc bởi kỹ thuật ép dựng khuôn 5 – 7 lần theo độ tinh tế dần của hoa văn. Mọi phần việc về trùng tu và phục chế được thực hiện theo những quy trình và đòi hỏi gắt gao.

Các phần việc về nâng cấp đại sảnh, cầu thang long trọng ở đại sảnh với hệ lan can có thiết kế cầu kỳ và hành lang dạo đều được nâng cấp bằng đá hoa nhập từ Italy; toàn bộ đồ gỗ - hệ thống đèn chùm, thảm trải phòng khán giả, rèm được thiết kế theo phong cách phù hợp và được gia công ở nước ngoài; hệ thống vệ sinh được tạo thêm ở tầng hầm với trang bị hiện đại; hố nhạc có thiết bị nâng lên hạ xuống; sân khấu có cấu trúc tháo dỡ đảm bảo độ cơ động, các phòng của diễn viên trang bị đầy đủ tiện nghi…

Môi trường bao quanh Nhà hát Lớn đã được cải tạo nâng cấp, có diện mạo đẹp đẽ và sang trọng hơn bao giờ hết và phù hợp với tính chất của công trình biểu diễn nghệ thuật cao cấp ở giữa Thủ đô…

Nghệ sĩ Hoàng Xuân Nam, Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết: Kể từ khi tôn tạo đến nay, Nhà hát càng trở nên sang trọng, đẹp đẽ và rất cổ điển. Để giữ gìn và bảo vệ công trình văn hóa kiến trúc cổ kính này, hàng năm vào dịp cuối năm, chúng tôi tạm dừng hoạt động để sửa sang, quét vôi, trang trí lại, những hạng mục nào xuống cấp thì bảo dưỡng lại”. Ông Hoàng Xuân Nam nói thêm: “Tôi đã từng được tham quan Ópera de Paris. Nếu so sánh giữa Nhà hát của Paris và Việt Nam thì có thể thấy chỉ khác là to hơn chúng ta nhưng chúng ta có điểm khác là sân khấu nâng lên, hạ xuống rất hiện đại”.

Theo ông Nam, gần đây, một nhà di sản của Pháp sang Việt Nam đã nói với Nhà sử học Dương Trung Quốc rằng: hiệu quả của Nhà hát Lớn Hà Nội đã mang lại còn nhiều hơn so với Ópera de Paris. 

Nhà hát Lớn trở thành địa chỉ văn hóa tham quan du lịch của Hà Nội, mỗi năm đón tiếp hàng ngàn du khách và đây cũng là nơi chụp ảnh lưu niệm trước lễ cưới của các đôi uyên ương, tạo nên một nét rất thanh lịch mới của người Tràng An. Tròn 100 tuổi, Nhà hát Lớn luôn xứng đáng là một công trình kiến trúc, xứng đang trở thành di tích đặc biệt của quốc gia, trung tâm văn hóa của Thủ đô - trái tim của cả nước./.