Vừa qua, triển lãm “Điểm đến II” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội – nơi tụ hội của gần 10 nghệ sỹ đến từ 3 nước Việt Nam, Malaysia và Mỹ đã khép lại. Trong đó, nghệ sỹ người Mỹ Larry D’Attilio là một trong những nghệ sỹ gây chú ý với các tác phẩm nhiếp ảnh mỹ thuật về chân dung người phụ nữ Việt Nam. Sau triển lãm, ông dự định sẽ lựa chọn Việt Nam làm nơi sinh sống và phát triển tiếp các sáng tác nghệ thuật của mình trong năm 2014.

Phóng viên VOV online đã có cuộc phỏng vấn nghệ sỹ Larry D’Attilio về hoạt động nghệ thuật cũng như dự án nhiếp ảnh của ông tại Việt Nam.
larry%20d'attilio.jpg
Nghệ sỹ Larry D'Attilio tại Việt Nam (ảnh: Facebook nhân vật)

PV: Ở triển lãm “Điểm đến II”, ông có mang đến một số tác phẩm ở thể loại nhiếp ảnh mỹ thuật, một thể loại không còn mới mẻ trên thế giới  nhưng còn khá xa lạ ở Việt Nam. Ông có thể cho biết thêm về thể loại này?

Larry D’Attilio: Có lẽ cũng dễ hiểu vì sao ở Việt Nam, khái niệm nhiếp ảnh mỹ thuật hay nhiếp ảnh nghệ thuật chưa thực sự đi sâu vào đời sống nhiếp ảnh. Theo tôi, vì ngay từ thời kỳ đầu của nhiếp ảnh tại đây, người ta vẫn coi nhiếp ảnh là một thể loại báo chí, thương mại chứ chưa thực sự coi là một phương tiện, công cụ nghệ thuật. Trong tư duy của nhiều người cầm máy, họ chưa có khái niệm rõ ràng về thể loại nhiếp ảnh mỹ thuật.

Điều này thực ra tương tự như ở phương Tây và ở Mỹ cách đây nhiều năm. Nhưng sau đó, những người làm về nghệ thuật cũng như các bảo tàng đã nhận ra được rằng nhiếp ảnh cũng có những ảnh hưởng nhất định ở góc độ nghệ thuật. Và họ đã coi nhiếp ảnh như là một chất liệu nghệ thuật. Triển lãm về thể loại nhiếp ảnh mỹ thuật đã diễn ra lần đầu tiên ở Mỹ từ những năm 1950.

PV: Ông đã có nhiều trải nghiệm trong đời sống với người dân Việt Nam qua các dự án xã hội. Vậy những trải nghiệm đó có ảnh hưởng tới các tác phẩm nhiếp ảnh mỹ thuật của ông như thế nào?

Larry D’Attilio: Tôi đã tham gia cùng một số quỹ từ thiện nước ngoài thực hiện những dự án hỗ trợ lao động cho những người phụ nữ nghèo ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện các công tác xã hội, tôi có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với nhiều phụ nữ trẻ Việt Nam. Họ là những người có khao khát về những con đường đi độc lập, thực hiện những ước mơ của riêng mình dù họ cũng chịu nhiều áp lực về những quan niệm của xã hội hay trong gia đình, áp lực phải cân bằng giữa nhiều điều trong cuộc sống.

Người phụ nữ Việt Nam trong một tác phẩm của Larry D'Attilio, được trưng bày tại triển lãm "Điểm đến II" 

Tôi nhận thấy phụ nữ ở Việt Nam là những người mạnh mẽ nhất và có nhiều khát vọng nhất trong số những người phụ nữ tôi từng gặp và biết đến trong các chuyến đi tới nhiều nước trên thế giới. Nhiều phụ nữ ở đây cũng chính là những người chuyên chở, lưu giữ được rất nhiều các dấu ấn, bản sắc của nền văn hóa Việt Nam. Họ là những người khiến tôi cảm thấy ấn tượng và trở thành nguồn cảm hứng rất lớn cho tôi trong việc sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.

PV: Người phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống và trong xã hội hiện đại, hình ảnh nào là nguồn cảm hứng mạnh mẽ hơn đối với ông trong việc sáng tác? Vì trên thực tế, có rất nhiều nghệ sỹ nước ngoài ấn tượng với vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Châu Á?

Larry D’Attilio: Thực ra, tôi không muốn phải đưa ra một lựa chọn hay một so sánh nào. Đối với tôi, việc cảm nhận được hình ảnh nào ấn tượng hơn đó là tùy vào góc độ cảm nhận của từng cá nhân khi thưởng lãm tác phẩm. Còn theo quan điểm của tôi, mỗi hình ảnh có những dấu ấn riêng khác nhau cũng như phụ nữ ở mỗi thời điểm cũng có vẻ đẹp và đặc trưng khác biệt. Còn nếu có được sự giao thoa giữa hai dấu ấn văn hóa truyền thống và hiện đại, đó là một điều tuyệt vời.

PV: Trong các tác phẩm nhiếp ảnh mỹ thuật về người phụ nữ Việt Nam của ông, có thể thấy từ màu sắc, bố cục ảnh cho tới thần thái của những người phụ nữ đều đượm buồn và giàu suy tư. Tại sao lại như vậy?

Larry D’Attilio: Những tác phẩm nhiếp ảnh mỹ thuật lần này của tôi nằm trong bộ ảnh của dự án ảnh với chủ đề “Những người phụ nữ toàn cầu mới”. Điều đó lý giải vì sao người xem dễ nhận ra nét hiện đại của họ. Trong đó, tôi thực hiện các tác phẩm với sự góp mặt của 27 người phụ nữ. Mỗi người trong số họ đều có những tâm tư, trải nghiệm và khát khao khác nhau. Trong các tác phẩm của tôi, dù mang những dấu ấn và cảm xúc đương đại, nhưng ẩn giấu trong họ còn là sự mạnh mẽ và tài năng.
Larry D'Attilio muốn thể hiện những cảm xúc và khát khao riêng của mỗi người phụ nữ trẻ thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh mỹ thuật của mình

PV: Được biết, ông dự định sẽ cùng gia đình định cư tại Việt Nam trong năm 2014 này. Vậy ông có kế hoạch phát triển thêm một dự án nhiếp ảnh mỹ thuật mới nào tại Việt Nam trong năm nay không?

Larry D’Attilio: Tôi đã đi rất nhiều nơi và lưu giữ lại nhiều tác phẩm tôi đã thực hiện. Hiện tại, tôi chưa có một kế hoạch cụ thể nào về dự án tiếp theo nhưng tôi cũng muốn sẽ có thêm cơ hội giới thiệu tới công chúng tại đây các tác phẩm khác của tôi, không chỉ về chân dung người phụ nữ.

Vào dịp Tết năm 2007, tôi cũng đã từng có một số bức ảnh chụp Hà Nội, đặc biệt tôi rất thích hình ảnh cầu Long Biên. Lúc đó, bức ảnh đáng nhớ nhất với tôi là ảnh chụp cầu Long Biên mờ ảo với bóng dáng lặng lẽ của một người đàn ông. Tôi nghĩ đây có thể cũng là một gợi ý hay cho dự án nhiếp ảnh tiếp theo của mình.

PV: Xin cảm ơn ông./.