"Diễn viên Minh Béo từng bị tố cáo nhiều lần. Nếu có điều tra, xử lý ngay từ ban đầu thì chắc chắn anh ta đã không phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng tiếp theo" - Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA nói.

Liên quan đến vụ việc diễn viên hài Minh Béo bị bắt tạm giam tại Mỹ với nghi vấn xâm hại tình dục trẻ em, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) một số thông tin xung quanh vấn đề này.

neu_minh_beo_ughb.jpg
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA.

Sau khi diễn viên Minh Béo bị bắt, đã có nhiều giả thuyết được đưa ra trong đó việc gây tranh cãi nhất là có thể coi hành vi này là "chứng" hay "bệnh". Quan điểm của CSAGA thế nào thưa bà?

Ai cũng có quyền đưa ra giả thuyết nhưng phải cần xác nhận về thông tin nếu không thành ra chúng ta đang bào chữa cho hành vi phạm tội. Diễn viên Minh Béo đã bị tố cáo nhiều lần rồi, nếu có điều tra, xử lý ngay từ khi bắt đầu có chuyện này thì chắc chắn đã không phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng tiếp theo.

Nếu con người ta cứ tiếp diễn những hành vi sai phạm mà không bị sao cả, thậm chí còn có cơ hội lu loa rằng tôi không như vậy, tôi bị gài bẫy, tôi bị lợi dụng... thì càng có điều kiện tiếp tục hành vi.

Việc thực thi pháp luật rất quan trọng, khi có một người bị tố xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em thì người đó phải bị xử lý theo đúng pháp luật. Chỉ pháp luật của Việt Nam là đủ, không cần hơn. Nếu xử lý nghiêm túc sẽ giúp đối tượng này thay đổi hành vi của họ. Tôi nghĩ vụ việc để đến mức độ như thế này là do trước đó đã không được xử lý đúng.

Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến việc bưng bít các hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở ta?

Mức độ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng. Trong 5 năm từ 2011 - 2015 cả nước phát hiện 8200 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân.Việc bưng bít những hành vi xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu gồm những nguyên nhân sau.

 

Thứ nhất, do kiến thức và nhận thực về vấn đề này của người dân chưa thật đầy đủ. Họ chưa được biết thế nào là xâm hại tình dục trẻ em và làm thế nào để đề phòng, xử lý những việc này.

Thứ hai - một điều rất quan trọng - đó là định kiến xã hội về nạn nhân xâm hại tình dục. Nhiều người cho rằng đó là chuyện đáng xấu hổ đối với chính người trong cuộc. Trong khi lẽ ra kẻ phạm tội mới đáng xấu hổ.

Ngoài ra, chuyện người bị xâm hại thay vì thẳng thắn tố cáo kẻ vi phạm thì lại có xu hướng thương lượng như hai bên tự đưa ra phương án bồi thường bằng vật chất, quyền lợi để nạn nhân thôi không theo kiện nữa sẽ dẫn đến việc cơ quan chức năng khó xử lý. Vì những lý do nêu trên, câu chuyện này ít được bộc lộ.

Ngoài yếu tố xã hội, pháp luật... thì sự giáo dục trong mỗi gia đình là rất quan trọng. Bà nghĩ sao về những gia đình biết hành vi sai trái của con mình nhưng không dũng cảm tìm phương án xử lý?

Trong quá trình làm việc, nghiên cứu... tôi ít khi tiếp xúc những đối tượng này mà thường tiếp xúc nhiều với gia đình nạn nhân. Nhưng trong tình huống gia đình người phạm tội bao biện hoặc không dứt điểm xử lý trường hợp của con mình thì chúng ta có thể hiểu đơn giản là tâm lý chung của các bậc cha mẹ thường không tin vào những điều xấu con mình đã gây ra hoặc thương yêu, lo lắng quá mức cho con.

Nếu có một lời nhắn gửi trong câu chuyện này, thì các gia đình có người thân bộc lộ hành vi sai trái nên tìm hiểu vấn đề, đưa con tư vấn, điều trị để hỗ trợ đối tượng này thay đổi hành vi hoặc nghiêm trọng hơn nữa thì cần sự phối hợp với cơ quan an ninh.

Bên cạnh đó, bản thân các gia đình trong tình huống này cũng phải hiểu rằng, nếu một ngày nào đó, con mình có bị pháp luật trừng phạt thì điều đó cũng là lẽ đương nhiên và sẽ giúp ích cho việc thay đổi hành vi theo nghĩa tích cực.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!