Ngày 14/2, tại Nhà hát nổi tiếng Chatelet ở Paris, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh, cùng Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Aurelie Filippetti và Bộ trưởng, Chủ tịch Viện Pháp Xavier Darcos cùng nhiều quan chức hai nước sẽ khai trương Năm Việt Nam tại Pháp. Với phần biểu diễn của đoàn nghệ thuật Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, buổi lễ hứa hẹn sẽ là một đêm trình diễn đầy sắc màu Việt Nam cho gần 2.000 khách mời, bạn bè Pháp.

Bao gồm gần 100 hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Năm Việt Nam tại Pháp là chương trình quy mô nhất từ trước đến nay quảng bá về đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới. Trước thềm sự kiện này, PV Đài TNVN thường trú tại Pháp đã phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng.

pv%20dai%20su%20vietnam%20tai%20phap.jpg
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng

PV: Thưa Đại sứ, xin Đại sứ cho biết một số nét lớn, sự kiện trọng điểm trong Năm Việt Nam tại Pháp 2014?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Pháp tổ chức Năm giao lưu Việt – Pháp, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2013). Năm Pháp tại Việt Nam đã kết thúc thành công tháng 12/2013 vừa qua và Năm Việt Nam tại Pháp sẽ chính thức được khai trương vào ngày 14/2 tới, mở đầu cho gần 100 sự kiện hoạt động trải rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật…

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam được giới thiệu trong một chương trình quy mô như vậy. Ngay từ nửa cuối năm 2013, rất nhiều sự kiện Việt Nam trong các lĩnh vực di sản, hội họa, âm nhạc, kinh tế, thương mại, hội thảo đã được tổ chức tại các địa phương như Strasbourg, Marseille, Poitiers, Toulouse...; tại các Bảo tàng Quân Đội, Quai Branly, Montreuil, Boulogne Billancourt, Thượng viện, Cernuschi, Sevres, Bộ Ngoại giao, Viện nghiên cứu Hải ngoại…

Sau lễ đón Tết Việt Nam, được tổ chức trọng thể tại Tòa thị chính thành phố Paris ngày 4/2 vừa qua, buổi lễ khai trương năm Việt Nam ngày 14/2 tới tại Nhà hát Chatelet, với sự có mặt của hai Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius sẽ hứa hẹn là một đêm trình diễn đầy sắc màu Việt Nam cho gần 2000 khách mời, bạn bè Pháp.

Cuộc triển lãm lớn nhất mà hai bên đang chuẩn bị là “Rồng trên cổ vật” tại Bảo tàng Guimet vào tháng 9/2014, sẽ được khởi động với một cuộc hội thảo quốc tế rất lớn: “Nghệ thuật Việt Nam, cách tiếp cận mới”. Việt Nam cũng sẽ tham gia một số lễ hội với tư cách là khách mời danh dự tại Dijon, Besancon, Montoire…

Nhiều tuần lễ phim Việt Nam cũng sẽ được tổ chức hoặc Việt Nam sẽ tham gia một số liên hoạn phim như Cannes, Vesoul… Xiếc, rối nước, ca trù, múa đương đại, võ cổ truyền, nhạc hip hop, techno… sẽ là các chương trình làm đầy đủ thêm diện mạo văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam đang được xây dựng thành một chương đặc sắc tại các khách sạn, đường phố, nơi công cộng. Bên cạnh đó, Tuần Việt Nam sẽ được tổ chức tại một số địa phương của Pháp như vùng Rhone-Alpes, tỉnh Seine Saint Denis, Tours, Bordeaux và rất nhiều địa phương, thành phố nhỏ khác.

Về chính trị-ngoại giao, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi đoàn như thỏa thuận, với chuyến thăm Pháp đầu năm của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Giảng dạy đại học và nghiên cứu Geneviève Fioraso, của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Ledrian… và đặc biệt của Tổng thống Francois Hollande.

Về kinh tế, Đối thoại kinh tế cấp cao lần 2 tại Paris vào tháng 4 tới do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Ngoại thương Nicle Bricq sẽ là bước triển khai tích cực Đối tác chiến lược, cùng với các hội thảo về đầu thư thương mại, ngày Việt Nam với chủ đề kinh tế tại một số địa phương. 

PV: Thưa Đại sứ, Việt Nam sẽ gửi tới bạn bè Pháp và quốc tế hình ảnh và thông điệp như thế nào về một Việt Nam hôm nay?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Với một chương trình phong phú gần 100 sự kiện, trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, Việt Nam sẽ được bạn bè Pháp biết đến không chỉ dưới những góc cạnh quen thuộc của truyền thống và bản sắc văn hóa lâu đời, của lòng quả cảm trong đấu tranh bảo vệ đất nước, mà còn là qua hình ảnh của Việt Nam đổi mới, mở cửa hội nhập mạnh mẽ, một Việt Nam thân thiện, đầy tiềm năng và điểm đến của thành công của đầu tư, thương mại…

Đó cũng là một Việt Nam gần gũi và gắn bó với nước Pháp qua lịch sử, văn hóa và qua những mối liên hệ đang được vun đắp củng cố qua Đối tác chiến lược vừa được ký năm 2013. 

PV: Với một loạt các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, Năm Pháp tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Pháp sẽ có những tác động như thế nào trong mối quan hệ giữa hai nước? Việt Nam kỳ vọng gì vào tổ chức Năm Việt Nam tại Pháp?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Việt Nam và Pháp chính thức triển khai Quan hệ đối tác chiến lược, vì vậy các sự kiện của Năm Việt Nam tại Pháp 2014 sẽ hết sức có ý nghĩa, tạo đà trên tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các địa phương, với tất cả các đối tác.

Năm Việt Nam tại Pháp kỳ vọng sẽ tạo một cú hích cho quan hệ Việt Nam – Pháp thông qua nhận thức mới của bạn bè Pháp, đa dạng, đầy đủ và chân thực hơn về một Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ sau 3 thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế và đang trở thành một đối tác thực sự, đầy tiềm năng, có vai trò ngày càng lớn trong khu vực và gắn bó với nước Pháp. Chúng ta có thể kỳ vọng vào “cú hích” đó vì Năm Việt Nam được sư đầu tư lớn của Nhà nước ta, cộng thêm sức lan tỏa rộng do sự tham gia hưởng ứng tích cực của các đối tác, bạn bè, hội đoàn, chính quyền địa phương Pháp.

Kỳ vọng thứ hai là Năm Việt Nam là dịp để cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, tại mỗi địa phương khẳng định vị trí của mình, đóng góp cho sở tại và cho quan hệ song phương. Việc triển khai Năm Việt Nam tại Pháp 2014 bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng người Việt Nam và qua các hoạt động này, tính gắn kết cộng đồng được tăng lên.

Kỳ vọng cuối cùng và không nhỏ là qua Năm Việt Nam tại Pháp, chúng ta học được công nghệ, kinh nghiệm tổ chức để quảng bá hình ảnh quốc gia một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.