Có thể nói, hơn 90% các chương trình gameshow, truyền hình thực tế của Việt Nam hiện nay đều sử dụng những giảm khảo là những tên tuổi nổi tiếng trong showbiz Việt để thu hút sự chú ý từ truyền thông hay công chúng. Có những người làm giám khảo như nghề chính, nhưng cũng chính vì xem là “nghề” nên lộ ra nhiều mặt thiếu chuyên nghiệp.
Số lượng các chương trình gameshow truyền hình thực tế (THTT) ở VN hiện nay đã lên tới con số gần 100 và chiếm trọn khung giờ vàng trên sóng truyền hình từ trung ương đến địa phương, và không chỉ là những ngày cuối tuần.
Nhiều chương trình nên đòi hỏi lược lượng giám khảo cũng phải tương đương. Mà giám khảo lại là một “bộ phận” gây “hot” để câu rating, tạo nên thành công của chương trình, nên mấy năm gần đây làm giám khảo đã trở thành “nghề” của không ít các tên tuổi nổi tiếng trong giới showbiz Việt.
Nhưng giám khảo THTT không phải là một cái ghế ai cũng có thể định vị đúng vai trò, xem nó như “nghề” giám khảo thì càng lộ rõ nhiều nhược điểm chuyên môn, thậm chí gây “thảm họa” cho chương trình.
Làm giám khảo đã trở thành “nghề” của không ít sao Việt. Ảnh minh họa. |
Cứ nổi tiếng là có thể làm giám khảo?
Không thể phủ nhận vai trò giám khảo của những “sao” trong lĩnh vực biểu diễn từ sân khấu hài đến ca sĩ thị trường, từ “chân dài” siêu mẫu đến cả các đạo diễn phim, nhạc sĩ, nghệ sĩ… đã tạo sức “nóng” và chỉ số rating cao cho chương trình.
Nhưng có lẽ vì muốn gây sự chú ý của khán giả truyền hình, khi mà các gameshow THTT mới ngày càng nhiều “độc chiêu”, cạnh tranh với các gameshow THTT có thâm niên, ngoài việc chiêu sinh, gây chiêu trò PR thì giám khảo là thành phần quan trọng.
Do có quá nhiều gameshow THTT dẫn đến tình trạng thiếu giám khảo có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm, giám khảo rành với chuyên môn của gameshow THTT thì rất hiếm, nhất là một số người có chuyên môn thật sự lại không “mặn” ngồi ghế giám khảo với rất nhiều lý do, không kể họ lại ít tham gia bề nổi hoạt động giải trí nên không phải là cái tên “hot” mà nhà sản xuất chương trình cần.
Nên như một công thức mặc định, bất cứ ai nổi tiếng trong giới showbiz Việt, những ai có nhiều “fanpage” trên mạng xã hội (như các ca sĩ trẻ 9X), thậm chí một em nhỏ đoạt giải trong một gameshow THTT mới 12 tuổi cũng được mời làm giám khảo.
Phương Mỹ Chi trên hàng ghế giám khảo của “Cùng nhau tỏa sáng”. |
Rất ít giám khảo thuộc hàng “chất lượng cao” cả về chuyên môn nghề và danh tiếng. Nhìn vào danh mục giám khảo gameshow THTT Việt hiện tại có thể thấy bất cứ ai nổi tiếng trong giới showbiz Việt, thậm chí nổi tiếng không ở lĩnh vực showbiz cũng có thể ngồi ghế giám khảo.
Hầu hết các danh hài nồi tiếng trong làng hài phía Nam đều ngồi ghế giám khảo của rất nhiều gameshow THTT. Có người cùng lúc làm giám khảo của mấy chương trình. Cũng có thể thấy nhiều “chân dài”, hoa hậu, siêu mẫu, thậm chí cả “vòng eo 56” ngồi ghế giám khảo trong nhiều gameshow THTT.
Không cần đúng chuyên môn hay không, như ca sĩ làm giám khảo người mẫu thương hiệu, người đẹp thì làm giám khảo gameshow âm nhạc, ca sĩ thị trường làm giám khảo chương trình ca nhạc thiếu nhi, hay diễn viên hài thì làm giám khảo các chương trình nghệ thuật như khiêu vũ, ca nhạc…
Nghĩa là giám khảo rất tréo nghoe với chuyên môn của mình. Và cũng chính vì vậy mà đã có không ít “thảm họa”, scandal, “tai nạn” do chính các giám khảo gây ra, gây nhiều phản cảm đối với công chúng, gây tai tiếng cho chương trình gameshow THTT, chưa kể còn gây hậu quả về tính giáo dục thẩm mỹ, văn hóa Việt trong cộng đồng.
Giám khảo không phải là “nghề” dễ làm
Trong các chương trình gameshow THTT, vai trò của giám khảo rất quan trọng. Thông qua những lời nhận xét, giám khảo có thể mang đến cho người xem và cả thí sinh những kiến thức chuyên môn bổ ích, đồng thời có thể tạo nên không khí cạnh tranh văn hóa lành mạnh, động viên tinh thần thí sinh, cho khán giả được hòa mình trong không gian giải trí có văn hóa và nhân văn, tạo cho chương trình “thương hiệu” sáng giá, chất lượng cao.
Nhưng chính vì không phải giám khảo nào cũng có “trình độ” chuyên nghiệp, nên xảy ra khá nhiều “tai nạn” từ nhỏ đến lớn ở vị trí giám khảo các gameshow THTT khiến thì sinh và khán giả không hài lòng, thỏa mãn, ảnh hưởng không ít đến chương trình, thậm chí có chương trình bị tẩy chay…
Ban giám khảo nhiều khi có những cuộc tranh cãi gay gắt ngay trên sóng truyền hình. |
Một số chương trình, giám khảo được mời nhiều khi trái sở trường chuyên môn, nên nhận xét chưa chuẩn, dẫn đến những cuộc tranh cãi gay gắt, có khi nóng giận mà không kiềm chế, không phân biệt giám khảo- thí sinh ngay trên “ghế nóng”.
Giám khảo các gameshow THTT cho thiếu nhi phần lớn là 9X, hoặc chưa có gia đình, không có kiến thức tâm lý trẻ, nên nhiều khi nhận xét gây sốc, thâm chí đã có trường hợp sang chấn tâm lý, tổn thương tâm hồn thí sinh, chưa kể có những câu nói không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên.
Có nhiều giám khảo khi ngồi ghế “nóng” chứng tỏ quyền uy của mình, trở nên một con người dữ tợn, riết róng, thậm chí độc ác bằng những phát biểu như đập vào mặt thí sinh, hay móc máy ngay chính giám khảo bạn, gây phản cảm như chiêu trò thiếu văn minh văn hóa.
Phạm Hương lấy vương miện "dụ" thí sinh. |
Xem các chương trình gameshow THTT hiện nay, nhìn ở góc độ giám khảo thì rất khó phân định đâu là chương trình của người lớn, đâu là dành cho trẻ em. Các giám khảo không chỉ thoải mái trong việc nói cười mà còn “phóng khoáng” trong trang phục, nhất là giám khảo nữ.
Ngồi ghế giám khảo không phải là chiêu trò PR bản thân bằng phục trang hàng hiệu hay kỳ quặc, bằng phát ngôn gây sốc hay những trò “cương lố” trên sân khấu, mà phải để thí sinh, khán giả “tâm phục, khẩu phục” bằng những nhận xét chuyên môn xác đáng, tinh tế, kiến thức rộng, sâu, sự công bằng và trên hết phải rất nhân văn với các thì sinh.
Tóc Tiên vô tư chỉnh áo trên ghế nóng Vietnam Idol Kids. |
Lựa chọn giám khảo như thế nào tùy vào tính chất của chương trình mang tính giải trí hay thiên nhiều hơn về chuyên môn. Nhưng bất luận, người được chọn làm giám khảo phải có kiến văn tốt, biết cách nói chuyện trước công chúng có văn hóa văn minh.
Khán giả không chỉ xem nghe thí sinh mà còn mong muốn và cần được nghe những lời nói hướng về các giá trị nghệ thuật, giúp khán giả định hướng thẩm mỹ. Bên cạnh đó, giám khảo cần có những kiến thức, trải nghiệm hoặc trình độ chuyên môn nhất định để có cái nhìn toàn diện để chấm giải một cách công minh nhất.
Đưa người nổi tiếng vào làm giám khảo trong các chương trình gameshow THTT không phải là con đường lâu dài để hấp dẫn khán giả. Vấn đề chính làm nên giá trị thực sự của các chương trình là chất lượng nội dung và tính bền vững không chỉ ở thí sinh mà còn ở thành phần giám khảo, ngoài sự nổi tiếng cần có chuyên môn, có “tâm”, “tầm” để ngồi ghế nóng./.