Ngày 17/3, nhân viên khu du lịch sinh thái ở quận Hoàng Mai đã bắt được một con ba ba Nam Bộ dài 75 cm, nặng khoảng 40 kg. Theo GS Hà Đình Đức, đây là loài ba ba quý hiếm còn gọi là cua đinh sống chủ yếu ở các kênh rạch, sông suối, hồ ao và vùng ngập nước. Tại Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu ở các tình miền Trung, Nam Trung bộ và Nam bộ.
Có vị khách muốn mua nó với giá 50 triệu đồng, nhưng ban quản lý khu sinh thái không bán.
Con ba ba Nam Bộ dài 75 cm, nặng khoảng 40 kg. (ảnh: GS Hà Đình Đức) |
Cùng ngày, Ban quản lý khu sinh thái đã liên lạc với Sở VHTT&DL Hà Nội bày tỏ mong muốn cung tiến cua đinh xuống Hồ Gươm để làm bạn với "cụ" Rùa.
“Sở VHTT&DL Hà Nội rất trân trọng nguyện vọng đó” - ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở khẳng định với VOV online và cho biết: “Hồ Gươm (bao gồm cả lòng hồ) là di tích quốc gia đặc biệt nên khi đưa cua đinh thì sẽ được coi như một hiện vật mới đưa vào di tích nên phải làm thủ tục cẩn thận”.
Về mặt thủ tục, cá nhân và đơn vị muốn đưa cua đinh vào Hồ Gươm phải có đơn gửi sở VHTT&DL. Trên cơ sở này, Sở sẽ làm văn bản xin ý kiến Thành phố, xin ý kiến Bộ VHTT&DL cho chủ trương. Trước khi đưa sinh vật mới vào hồ thì sẽ có các nhà khoa học chuyên ngành như là ngành sinh vật học, các nhà quản lý ngành khoa học công nghệ, môi trường có đánh giá xem giá trị của hiện vật, khả năng thích nghi và ảnh hưởng của hiện vật tới môi trường của Hồ Gươm để đưa ra các khuyến nghị có nên đưa được vào hay không. Bộ VHTT&DL sẽ là đơn vị cuối cùng đồng ý hay không đồng ý đưa hiện vật mới vào di tích mà ở đây là Hồ Gươm.
“Vì Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt nên có sự biến đổi gì trong khu vực dù là trồng cây trên mặt hồ đều phải ứng xử với nó đúng theo Luật di sản” – ông Trương Minh Tiến khẳng định./.