Giai điệu mượt mà, mang đậm màu sắc dân gian của ca khúc “Mùa xuân trên sông Tô” đã vang lên nhiều lần trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Không ít người vẫn nhầm tưởng, đây là một bài ca của ông cha ta để lại từ xa xưa. Không phải. Nhạc phẩm này được nhạc sỹ Lê Việt Hòa sáng tác đầu thập niên 80 và được nhiều nghệ sỹ tên tuổi hát.

Nhạc sỹ Lê Việt Hòa đã có nhiều năm làm biên tập và sáng tác nhạc ở Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Về chuyện ra đời ca khúc này, nhạc sỹ cho biết, hồi ấy, ông đã ký một hợp đồng với nhạc sĩ Phó Đức Phương, phụ trách nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc Thăng Long. Đoàn mời ông viết một bài ca về… sông Tô Lịch để phục vụ cho chương trình “Ca nhạc Thăng Long - Đông Đô” đi Hội diễn toàn quốc.

Ký xong hợp đồng hàng tháng trời mà… ông không biết viết gì, viết như thế nào. Vì thực tế, sông Tô lúc đó là dòng sông chứa nước thải và rất ô nhiễm. Tìm đâu ra… nguồn cảm hứng để sáng tác. Lê Việt Hòa đã nói với nhạc sĩ Phó Đức Phương để thay một nội dung khác, nhưng chưa kịp nói dứt lời, nhạc sĩ Phương đã xua tay và trả lời như khẳng định sẽ không có sự thay đổi, cứ thế mà… sáng tác.

Nhạc sỹ Lê Việt Hòa trăn trở đi tìm tư liệu về lịch sử Thăng Long Đông Đô. Ông đã gặp gỡ Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng và được biết, dòng sông Tô Lịch ngày xưa rộng thênh thang. Đã có những vần thơ, những câu ca dao về tình yêu đôi lứa gắn với dòng sông này: “Bao giờ cạn nước sông Tô thì em mới không yêu chàng/(anh mới không yêu nàng)”… Từ những câu thơ trên, dần dần hé mở cho ông những suy nghĩ về cách viết.

Nghe bài hát "Mùa xuân trên sông Tô" do nghệ sĩ Duy Thường và Thanh Thanh Hiền thể hiện

Một số văn nghệ sĩ mỗi khi sáng tác, thường “mượn” hơi men để tăng thêm sức mạnh cho tư duy sáng tạo. Hôm ấy, trở về nhà trong trạng thái đã ngà ngà hơi men, Lê Việt Hòa nhận được mấy dòng chữ của nhạc sĩ Phó Đức Phương để lại: “Anh Hoà ơi! Còn có một tháng nữa thì hội diễn, vậy anh cố gắng hoàn thành sớm để còn kịp thời gian dàn dựng”. Mấy dòng chữ tưởng chừng giản đơn đó đã đốc thúc ông bắt tay ngay vào sáng tác.

Trong giấc ngủ đêm hôm ấy, Lê Việt Hoà đã mơ những âm thanh, giai điệu, lời ca… Tỉnh dậy ngay trong đêm, ông hoàn thành tác phẩm với tên gọi: “Mùa xuân trên sông Tô”. Ngay sáng hôm sau, Lê Việt Hoà đã tới Đoàn Ca múa Thăng Long để hát ca khúc mới sáng tác cho nhạc sĩ Phó Đức Phương nghe. Nhạc sĩ Phó Đức Phương thốt lên: “Hay quá anh Hoà ơi!”. Và bài hát đã được dàn dựng kịp thời và xếp vào tiết mục mở màn cho Đoàn Ca múa Thăng Long đi hội diễn. Bài ca đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995.

Gần đây, bài hát “Mùa xuân trên sông Tô” đã được các nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, Thu Huyền và Duy Thường trình diễn nhiều trên sân khấu và làn sóng phát thanh, truyền hình, gây được nhiều chú ý của khán thính giả yêu nhạc trên khắp cả nước, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vừa qua.

“Mùa xuân trên sông Tô” được viết ở thể 2 đoạn giản đơn, khúc thức gọn gàng, với những lời ca cô đọng, sắc nét và giàu sức tưởng tượng. Nhạc sĩ Lê Việt Hoà đã sử dụng chất liệu âm nhạc vùng Kinh Bắc, đặc biệt là ca trù và quan họ để sáng tác bài hát này.

Khi được hỏi nhạc sĩ có suy nghĩ gì về thành công của bài ca, nhạc sĩ Lê Việt Hoà tâm sự: đây là một bài học lớn cho cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông./.