Nằm ở Bắc Âu, Đan Mạch là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về sản xuất năng lượng gió.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng trước, và nhân chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Hoàng gia Đan Mạch  đang diễn ra tại Việt Nam, quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Đan Mạch đã có nhiều bước phát triển tốt đẹp.

Mới đây, trong chuyến công tác tại Đan Mạch, phóng viên VOV đã có dịp phỏng vấn Hoàng gia Đan Mạch, ghi lại những tình cảm tốt đẹp của đất nước, con người và Hoàng gia Đan Mạch dành cho Việt Nam.

Chặng đường từ Thủ đô Copenhagen tới lâu đài Fredensborg, một trong những cung điện nổi tiếng của đất nước Đan Mạch thật xa mà cũng thật gần.

DM-nu-hoang2[2].jpg

Đoàn nhà báo Việt Nam chụp ảnh chung với Nữ hoàng, Hoàng thân Đan Mạch

Con đường nhỏ từ thủ đô Copenhaghen chìm khuất trong những rặng cây. Những cơn gió chớm đông trong cái se lạnh xứ Bắc Âu làm du khách lần đầu tới Đan Mạch phải nhớ mãi với những lời suýt xoa và cơn rùng mình bất chợt.

Không chỉ có cái lạnh mà cái nắng ở đây cũng làm người ta ấn tượng không kém khi nó tô vẽ thêm sự cổ kính cho những ngôi nhà nhỏ xinh xắn ven đường và toà lâu đài cổ Fredensborg, nơi Hoàng thân và Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đang ở.

Trái với trí tưởng tượng của chúng tôi, nghi lễ cung đình thật giản đơn tới không ngờ. Đầu tiên, người quản gia của cung điện đưa chúng tôi vào một căn phòng và dặn chúng tôi chờ trong ít phút. Như hiểu được tâm trạng của chúng tôi, chị Signe Jønsson, cán bộ Bộ Ngoại giao Đan Mạch, bạn đồng hành của đoàn nhà báo Việt Nam an ủi: “Các bạn đừng quá căng thẳng”. Một phút, hai phút rồi 15 phút trôi qua, cánh cửa bật mở. Theo chân ông Ove Ullerup, Trưởng bộ phận truyền thông của Hoàng gia Đan Mạch, một người am hiểu và đã từng công tác nhiều năm tại Việt Nam, chúng tôi bước vào một căn phòng lớn, nơi được sử dụng làm phòng họp báo của Hoàng gia. Thêm 15 phút nữa trôi qua trong không gian yên tĩnh của căn phòng, chúng tôi có đủ thời gian để điều chỉnh máy ghi âm, ngắm nhìn những bức hoạ khổ lớn, những kiệt tác điêu khắc nổi trên tường.

Nữ hoàng và Hoàng thân thăm Huế

“Xin chào các bạn”, lời chào cùng nụ cười hồn hậu từ Nữ hoàng Đan Mạch và Hoàng thân có lẽ là ấn tượng khó quên nhất đối với chúng tôi, những nhà báo Việt Nam lần đầu tiên vinh dự có mặt tại lâu đài Fredensborg trong cuộc phỏng vấn Hoàng gia Đan Mạch trung tuần tháng 10.

Tâm trạng bồn chồn lo lắng trước giờ “G” đã nhanh chóng qua đi. Thật may mắn, cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ tôi từng được học.  

Bằng giọng Pháp chuẩn và nụ cười tinh tế, Nữ hoàng Margrethe II bắt đầu câu chuyện với những nhận định tích cực và tốt đẹp về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch: “Chúng tôi rất vui mừng khi được đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới thăm chính thức Đan Mạch hồi tháng trước. Đây là một cơ hội rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch cũng như gặp gỡ các doanh nghiệp của Đan Mạch. Các cuộc gặp gỡ song phương sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai chiều trong tương lai”.

Cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi hơn với những hồi ức khó quên về Việt Nam. Nữ hoàng say sưa kể về cái vị ngọt- mặn đậm đà của nước mắm Phú Quốc, món Nem nổi tiếng với nhiều thứ gia vị của Việt Nam, những câu chuyện cũ ở Hà Nội… đã xua đi khoảng cách trong căn phòng rộng lớn. Xen kẽ cuộc phỏng vấn là những hồi ức đan xen của Hoàng thân về một Hà Nội đầu thế kỷ trước. Hồi đó, cha ông là chủ một tờ báo tiếng Pháp có tiếng ở Hà Nội. Henrik de Monpezat đến Việt Nam khi còn trên tay mẹ, sau vài ngày được sinh ra tại Talence, ngoại ô Bordeaux, Pháp.

Sinh ra tại Pháp nhưng tuổi thơ của Hoàng thân Đan Mạch, lại gắn với những kỷ niệm ở Hà Nội, nơi ông nội của ông là chủ báo tờ La Volonté Indochinoise (Ý chí Đông Dương), ngôi nhà số 80 Phan Đình Phùng - Hà Nội, khi phụ thần ông là người chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Sau đó ông về nước và đến 1950, ông trở lại Hà Nội, đúng thời điểm cuộc chiến Đông Dương đang diễn ra tại Việt Nam. Năm 1958, ông đến Sài Gòn để học thêm về ngôn ngữ và văn hóa Đông Dương.

ảnh: Do Đại sứ quán Đan Mạch cung cấp
 Với nhiều kỷ niệm trên đất nước Việt Nam và bằng tình cảm chân thành của mình, ông đã viết tự truyện Mệnh giời bắt thế như một cách để khẳng định tình cảm dành cho Việt Nam. Dịp này, ông cũng sẽ giới thiệu với gia đình những nơi đã in dấu tuổi thơ của mình tại Việt Nam: Huế, Đà Lạt và Sài Gòn. Cũng ít ai biết được rằng Hoàng thân Đan Mạch còn là một nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, tác giả một số cuốn sách về Việt Nam…

Cuộc phỏng vấn quan trọng dường như đã mang một sắc thái khác khi những câu hỏi của Hoàng thân và Nữ hoàng xoay quanh về cuộc sống của Việt Nam hiện tại, sự thay đổi và phát triển của ngành báo chí Việt Nam và mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Đan Mạch.

Cuộc phỏng vấn đã trôi qua tự lúc nào. Kết thúc cuộc phỏng vấn, chúng tôi một vinh dự đặc biệt, đó là được bắt tay và chụp ảnh chung với cả Hoàng thân và Nữ hoàng.

Chủ tịch nước và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm với Nữ hoàng và Hoàng thân (ảnh: Thu Thuỷ)

Chị Signe Jønsson và ông Ove Ullerup nói với chúng tôi rằng, đây là một “ngoại lệ đặc biệt” vì rất hiếm có đoàn nhà báo nào được chụp ảnh chung với Hoàng gia.

Tại Việt Nam, hình ảnh Nữ hoàng và Hoàng thân Đan Mạch đi xích lô, thăm phố cổ Hà Nội đã để lại cho người dân Việt Nam những ấn tượng thật sâu sắc. Đó là sự thân thiện, tình cảm gắn bó sâu đậm với Việt Nam. Từ Hà Nội, lời chào của Việt Nam đã được gửi tới đất nước, nhân dân và Hoàng gia Đan Mạch, vun đắp thêm cho tình hữu nghị giữa hai nước, và hai dân tộc ngày càng tốt đẹp./.