Tiếp nối những thành công từ nghiên cứu khảo cổ học của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản từ những năm cuối thế kỉ 20, nhóm các nhà khoa học thuộc Dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam -Nhật Bản giai đoạn 2014-2019 tại khu di tích thành cổ Luy Lâu đã bước đầu đưa ra kết quả về phạm vi, niên đại cũng như cấu trúc di tích này, đặc biệt là khu vực Thành nội. Điều này góp phần chứng minh sự phát triển của Luy Lâu với vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, một đô thị đứng đầu khu vực Đông Nam Á thời kì cổ đại. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn T.S Hoàng Hiểu Phấn, Trường Đại học Đông Á, Nhật Bản chủ nhiệm nhóm nghiên cứu về vấn đề này.

sssss_eees.jpgTiến sĩ Hoàng Hiểu Phấn. (Ảnh: Phương Thúy)

PV: Thưa Tiến sĩ Hoàng Hiểu Phấn, bà có thể cho biết những kết quả bước đầu của nhóm nghiên cứu thuộc dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt-Nhật giai đoạn 2014-2019 tại khu di tích thành cổ Luy Lâu?

TS. Hoàng Hiểu Phấn: Thành quả lớn nhất của chúng tôi trong lần nghiên cứu này là làm rõ được phạm vi của nội thành, cấu trúc bên trong cũng như niên đại xây dựng thành cổ Luy Lâu. Chúng tôi đã làm rõ, Nội thành được xây dựng từ thời Hán, sau đó đến thời Tam Quốc và đến thời kì sau này thì liên tục được tu sửa. Thành cổ Luy Lâu được hình thành cách đây hơn 2000 năm và cũng là thành cổ nổi bật nhất, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của khu vực Lĩnh Nam, ở miền Bắc Việt Nam.

Nhưng trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy xuất hiện ở đây đội quân Giao Chỉ, sau đó hình thành chế độ quân quyền ở khu vực này. Đặc biệt trong các thư tịch cổ có ghi dân số của quận Giao Chỉ này là khoảng 74 ngàn người. Với dân số đó thì Luy Lâu là đô thị cổ đông dân nhất ở khu vực Bắc Việt Nam thuộc Lĩnh Nam đương thời. Chúng tôi thấy được ở khu di tích thành cổ Luy Lâu sự tích hợp giữa văn hóa Hán - tức văn hóa ngoại lai với văn hóa bản địa - là văn hóa Đông Sơn khoảng trước thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên. Như chúng ta đã biết, thế kỉ thứ 4 là thời kì nhà Hán suy vong nhưng văn hóa Đông Sơn vẫn tồn tại, phát triển cùng di tích này.

PV: Những kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

T.S Hoàng Hiểu Phấn: Thành cổ Luy Lâu là một di tích lịch sử của Việt Nam. Đây là một đô thị rất hiếm hoi còn dấu tích tồn tại, không chỉ có giá trị đặc biệt đối với lịch sử Việt Nam mà còn với lịch sử Đông Nam Á nữa. Trên thực tế, tôi đã sang Việt Nam từ 6 năm trước. Ngay từ lúc đó tôi đã quan tâm đến di tích lịch sử này.

Đây không chỉ là di tích thể hiện văn hóa Hán mà còn thể hiện những truyền thống Việt Nam, thể hiện tri thức, trí tuệ cũng như kĩ thuật bản địa của Việt Nam. Tuy nhiên, với một di tích thuộc loại khá hiếm ở Đông Nam Á, việc bảo tồn nó cần được chú trọng hơn nữa. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu, khai quật lại khá chậm chạp. Tôi rất mong muốn cơ quan, chính quyền Việt Nam quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, khai quật đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về di tích này.

Chiếc cầu đá 2000 năm tuổi là một phần của di tích Luy Lâu. (Ảnh: Báo Bắc Ninh)

PV:Việc tổ chức nghiên cứu cũng như kết quả thu thập được của bà và các đồng nghiệp có sự kế thừa và phát triển thành quả của những đoàn khảo cổ trước như thế nào, thưa bà?

T.S Hoàng Hiểu Phấn: Lần trước, đoàn của Giáo sư Nishimura và Viện Khảo cổ học đã khai quật phần tường thành phía Bắc cũng như vết tích kiến trúc trong nội thành. Nhưng những kết quả ấy chỉ mang tính bộ phận. Còn lần này, chúng tôi đã khai quật một cách tổng thể và phạm vi cũng như niên đại xây dựng.

PV:Như vậy, tính đến thời điểm này di tích thành cổ Luy Lâu vẫn còn nhiều bí ấn lịch sử. Vậy thì, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của hai nước Nhật Bản - Việt Nam sẽ có dự định gì trong việc tiếp tục khai quật cũng như tìm hiểu thêm giá trị thành cổ Luy Lâu?

T.S Hoàng Hiểu Phấn: Lần này, chúng tôi mới tiến hành nghiên cứu chủ yếu ở nội thành. Hiện nay, tại khu di tích này còn tồn tại những bức tường bên ngoài. Trong thời gian tới, trong kế hoạch 5 năm nghiên cứu của chúng tôi từ 2014-2019 là sẽ nghiên cứu phần ngoại thành, tìm ra cấu trúc tổng thể giữa nội thành và ngoại thành.

Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu thêm nhà xưởng sản xuất ngói, gạch, đúc đồng. Ngoài ra, tại một đô thị cổ như Luy Lâu chắc chắn còn có cơ sở tôn giáo nên chúng tôi cũng sẽ đi tìm hiểu. Phía Đông thành cổ hiện nay có những mộ gạch có niên đại Đông Hán - Tùy Đường, trải dọc theo phía Đông sông Dâu, trong phạm vi khoảng 1km tạo thành một trục phân bố có quy định. Những ngôi mộ này nằm trong tổng thể chung của kiến trúc Luy Lâu và chúng tôi cũng muốn nghiên cứu cặn kẽ hơn mối quan hệ của nó với thành cổ.

PV: Xin cảm ơn bà!/.