Mùa xuân này tròn 30 năm khi quay ngược thời gian về năm 1986 – thời điểm được rất nhiều người Việt Nam ghi vào ký ức với hai chữ “Đổi mới”. Kỷ niệm của thời tem phiếu và những khốn khó trải qua của cuộc chuyển mình là một phần ký ức không thể quên của nhiều thế hệ người Việt. 

Đây cũng là thời điểm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được biết đến như một hiện tượng hiếm có của sân khấu kịch nói Việt Nam. Tác phẩm của ông không những nhiều về số lượng được dàn dựng và trình diễn mà còn có giá trị nghệ thuật cao. 

Trong những năm 80 thế kỷ trước, vừa ra khỏi hai cuộc kháng chiến, đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn, kinh tế bao cấp, tệ quan liêu, cửa quyền, vô trách nhiệm đã trở thành căn bệnh... Ở thời điểm lịch sử ấy, kịch của Lưu Quang Vũ như con dao sắc mổ xẻ những vấn đề nhức nhối của xã hội, động chạm đến những vấn đề mà ngày ấy cho là nhạy cảm. 

Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Quyền được hạnh phúc”... là những vở kịch đã động chạm đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp đến mức phải duyệt đi duyệt lại như vở “Tôi và chúng ta”, thậm chí có vở chỉ cho diễn ở sân khấu chứ không phát rộng rãi trên truyền hình như vở “Ông không phải bố tôi”. 

Theo nhà văn Chu Lai, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, kịch của Lưu Quang Vũ lúc ấy như đội quân tiên phong của văn học nghệ thuật, dám xông vào những vấn đề xã hội nóng bỏng, báo động, tiên liệu, dự cảm một cái gì đó nếu không ổn định cơ chế, ổn định những đạo lý thì con người còn vấp phải những hiểm họa khôn lường. Thực ra, vệt kịch của Lưu Quang Vũ nói về đề tài nông thôn, thành thị, quá khứ, chiến tranh, đời thường, kinh tế… nhưng cũng chỉ giao tranh giữa cái thiện và cái ác. Cuộc giao tranh này là muôn đời muôn kiếp từ khi khai sinh cho đến ngày không còn trái đất thì vẫn còn giao tranh thiện ác. Cho nên kịch Lưu Quang Vũ là có tính vĩnh cửu.  

Cảm hứng chủ đạo trong kịch Lưu Quang Vũ là cảm hứng về con người, về cái đẹp, cái thiện, cái tôi hoà tan trong cái ta. Ở đó tính thời sự được kết hợp với những vấn đề muôn thuở của nhân loại. Nếu ở vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, lấy mô típ từ truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đề cập đến vấn đề giá trị muôn thuở là triết lý về lẽ sống, lẽ làm người; thì ở “Nguồn sáng trong đời”, “Người tốt nhà số 5”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” lại là nỗi trăn trở về bản chất, về những thuộc tính bên trong của con người, thông điệp về lòng nhân ái và cao thượng đồng thời cũng chứa đựng triết lý sâu sắc về hạnh phúc và quan niệm về nghệ thuật. 

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - Nguyễn Thế Vinh nhận định: "Lưu Quang Vũ đã đi tiên phong từ những năm 80. Tất cả những thông điệp ông đưa ra cho đến thời điểm này vẫn là tư tưởng tiên phong.  Những thông điệp không chỉ cho một cơ quan, một khu vực, một đất nước mà nó là vấn đề của thế giới. Đối với một bối cảnh xã hội ngày càng thì tư tưởng tiên phong rất cần thiết".

0_xbwt.jpg
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Có thể nói khi hướng ngòi bút về cuộc sống, kịch Lưu Quang Vũ đã góp một tiếng nói thiết thực vào công cuộc đổi mới đất nước. Nói như nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành, kịch của Lưu Quang Vũ khiến người xem hiện đại được soi mình trong đó, được đối thoại, gợi mở cách giải quyết, được thức tỉnh tinh thần đến mức có thể thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống. Đặc biệt là những vở kịch ấy phần nhiều đã đáp ứng được nhu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, sự thưởng thức hưởng thụ của khán giả.

Tiếng nói của sân khấu là một trong những tiếng nói của văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới. Vai trò của Lưu Quang Vũ trong sự đóng góp đó của sân khấu là một trong những nhân tố đã có những dự báo sớm về sự thay đổi của đất nước. Những yêu cầu khách quan của đất nước và xu thế của thời đại. Anh cộng hưởng thêm tiếng nói trẻ trung hơn và gần với con người hơn, gần với nhân dân hơn.

Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ không chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ mà còn thể hiện cách nhìn của tác giả với những trăn trở, suy tư, đòi hỏi với hiện thực, mong mỏi nó tiến tới những chân lý cuộc sống. Ông công khai ngợi ca những tư tưởng mới, lối suy nghĩ mới, cách làm sáng tạo, năng động, đồng thời thẳng thắn phê phán cơ chế quan liêu bao cấp trong nhiều lĩnh vực đời sống và tinh thần của xã hội lúc bấy giờ. 

Ông Trương Nhuận, nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: "Trong nhiều năm tới vẫn nên phục hiện và dựng kịch Lưu Quang Vũ bởi vì tác phẩm của anh luôn luôn được khán giả rất yêu mến và đón nhận, bởi tính nhân văn và sự dự cảm, những thay đổi trong xã hội, những dự cảm về tính dân chủ, đòi hỏi về quyền dân chủ trong xã hội. Ở một góc độ nào đó, xem xong kịch Lưu Quang Vũ, người ta vẫn thấy tin, vẫn thấy yêu cuộc đời hơn. Đó là chức năng mà văn học nghệ thuật đã để lại những hạt giống".

30 năm đã đi qua, những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn đầy sức sống trên sân khấu kịch và trong lòng người xem bởi nó vẫn còn nguyên tính thời đại, khi thể hiện tâm tư nguyện vọng, trăn trở về cuộc sống. 

Xem kịch của ông, người ta vẫn thấy đâu đây trong xã hội này những con người, những câu chuyện, tính cách, những biến cố và cách xử lý vấn đề đang hiện hữu, cũng như giúp công chúng hôm nay nhìn lại tầm vóc của một tác giả đã góp sức đưa nền sân khấu Việt Nam đạt đến một đỉnh cao mà cho đến nay nhiều người vẫn còn mơ ước. 

Tác phẩm của ông là lời nói hộ những trăn trở của hàng triệu người Việt Nam về lòng mong ước vào công cuộc đổi mới đất nước./.