Nhạc thính phòng hòa vào cuộc sống bình dân

Không khán phòng sang trọng, không ánh đèn sân khấu lung linh, không rèm nhung lộng lẫy, không điều hòa, không dàn âm thanh hoành tráng như trong khán phòng, nhưng những nhạc công trong trang phục biểu diễn mầu đen lịch lãm vẫn say sưa biểu diễn.

Luala-bieu-dien.jpg
Vây quanh họ là những khán giả đường phố. Không có những hàng ghế nhung đỏ êm ái, thay vào đó chỉ là những hàng chiếc ghế khiêm tốn. Người ngồi, kẻ đứng, thậm chí nhiều bạn trẻ không ngần ngại ngồi bệt ngay trên hè để thưởng thức. Đông nhưng không nhốn nháo. Họ im lặng lắng nghe và thưởng thức âm nhạc theo cách riêng của mình. Chỉ sau mỗi bài diễn, những tràng vỗ tay mới ròn rã vang lên.Một không gian âm nhạc thân thiện, sống động kéo dài trong hai giờ vào những ngày cuối tuần hoàn toàn xóa nhòa ranh giới giữa nghệ sĩ và người xem là hình ảnh của một trong nhiều buổi diễn của chương trình “Hòa nhạc Luala”.

Thời gian này là mùa diễn thứ hai của “Hòa nhạc Luala”. Sau 3 tháng tạm nghỉ, mùa diễn xuân hè “Hòa nhạc Luala” trở lại đường phố từ 7/4/2012 với dòng nhạc Jazz.

Theo ông Đỗ Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty DX, Trưởng Ban tổ chức và là người khởi xướng “Hòa nhạc Luala”, thay vì nhạc cổ điển như trước đây, chương trình lần này sẽ mang đậm phong cách Jazz, Blue và nhạc thử nghiệm. Sở dĩ BTC chọn dòng nhạc Jazz vì muốn đem loại hình nghệ thuật còn ít được biết đến tới gần công chúng hơn.

Mỗi buổi diễn đều có phần trình diễn những tác phẩm Jazz kinh điển của thế giới và chơi Jazz theo phong cách Việt với nhiều làn điệu dân gian Việt Nam quen thuộc như Trống cơm, Bèo dạt mây trôi... nhưng với cách biểu diễn đầy ngẫu hứng, mới lạ nhưng không kém phần chuyên nghiệp.

Jazz ra ngoài phố...
Tháng 4 này cũng là dịp Luala kỷ niệm một năm ngày thành lập.

Thêm một nét đẹp cho Hà Nội

Biểu diễn trên hè phố, công viên, dưới tầu điện ngầm theo ngẫu hứng hoặc với mục đích kiếm tiền… không xa lạ với các nước châu Âu. Ở Việt Nam thì khác những buổi diễn như thế hoàn toàn miễn phí.

Vào cuối năm 2011, lần đầu tiên khán giả đường phố của thủ đô được đứng thật gần các nghệ sĩ trong những bộ vest đen lịch lãm, sang trọng biểu diễn những bản nhạc nhạc cổ điển trên góc hè của một trung tâm HN. Với nhiều người, đây cũng là lần đầu tiên họ được thưởng thức những bản nhạc cổ điển mà trước đây mới chỉ được xem và nghe qua radio và tivi. Ban đầu cũng là sự tò mò, là lạ khi được xem biểu diễn không mất tiền rồi thành nghiện. Có người cuối tuần đến hẹn lại ra phố đến với “Hòa nhạc Luala”. Có được điều này là nhờ “Luala” - như lời bác Đặng Thắng, một người Hà Nội nhận xét.

LUALA Concert được chọn là một trong 10 sự kiện âm nhạc nổi bật của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2011.

“Hòa nhạc Luala”  – dự án đưa âm nhạc ra đường phố biểu diễn với mục đích cũng là tâm huyết của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là trong âm nhạc bác học là làm sao để âm nhạc bác học trở nên gần gũi hơn với đời sống, có sự tương tác với công chúng hơn và được nhiều người nghe hơn. Và ý tưởng đã trở thành hiện thực và đang thành công.

Người xem của “Hòa nhạc Luala” không chỉ là người đi đường thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, cả người dân địa phương lẫn du khách mà còn có cả những nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như Thanh Lam, Tùng Dương, nghệ sỹ múa Linh Nga, nhạc sỹ Nguyễn Cường…Lyan Hoàng – một nữ Việt kiều Pháp cho biết: “Lần đầu tiên tôi xem hòa nhạc trên đường phố ở HN. Rất hay. Hà Nội vốn là nơi tôi sinh ra và lớn lên. HN vẫn đọng mãi trong tôi những hình ảnh đẹp, cổ kính và thanh lịch ngày xưa cách đây vài chục năm ấy. Nay lại thêm nét đẹp văn hóa nữa của HN in dấu trong tôi. Con gái tôi cũng chơi violon và hay đi biểu diễn. Cháu cũng rất thích khi dự buổi hòa nhạc này. Thật đời thường nhưng vẫn thấy sang trọng”.

Ông Đỗ Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty DX, người khởi xướng “Hòa nhạc Luala” tin rằng nghệ thuật chân chính, dù dưới bất kỳ hình thức gì, luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả.
Chị cũng cho biết, ở Pháp các ban nhạc có thể biểu diễn ở ngoài trời, nơi công viên hay trên các quảng trường trung tâm. Nhưng nhạc cổ điển luôn biểu diễn trong các khán phòng sang trọng.

Và một lý do khác không kém phần quan trọng khiến “Hòa nhạc Luala”  thu hút nhiều khán giả trẻ bởi các buổi diễn đều miễn phí. Vân Thanh - nữ sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền chia sẻ: “Em nghe nói về diễn nhạc cổ điển trên đường phố từ lâu nhưng hôm nay mới đến nghe. Thưởng thức âm nhạc bác học trên đường phố có những đặc sắc riêng, được gần với các nghệ sĩ hơn. Mặc dù không hiểu nhiều về nhạc cổ điển nhưng em vẫn thấy rất hay. Thú vị hơn là được xem miễn phí. Với sinh viên bọn em khó lòng có thể mua chiếc vé đi nghe nhạc cổ điển ở Nhà hát lớn”.

Âm nhạc trên phố dù được tổ chức quy mô hay chỉ là những phút ngẫu hứng của nghệ sĩ đều có chung mục đích: mang lại một không gian văn hóa tinh thần lành mạnh cho mọi người. “Tất cả đã cho chúng tôi thấy những mơ mộng và nỗ lực của mình không uổng phí. Chúng tôi tin rằng nghệ thuật chân chính, dù dưới bất kỳ hình thức gì, luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả” như lời ông Đỗ Ngọc Minh, Chủ Tịch của Công ty DX, Trưởng ban tổ chức của “Hòa nhạc Luala” chia sẻ với báo giới.Mùa diễn Thu Đông của “Hòa nhạc Luala” đầu tiên bắt đầu từ tháng 11/2011 và kéo dài trong 2 tháng.

Chương trình hòa nhạc cổ điển sẽ trở lại vào mùa Thu Đông, dự kiến bắt đầu vào tháng 11/2012./.

Với mục tiêu mang âm nhạc giao hưởng cổ điển đến với đông đảo người dân thủ đô, dự án âm nhạc cộng đồng "Giao hưởng LUALA” là sự phối hợp tâm huyết giữa LUALA, Nhà xuất bản Âm nhạc và các nghệ sỹ thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, nhà hát Vũ Kịch Việt Nam, và Nhạc Viện Hà Nội.

Chương trình Hòa nhạc Luala Xuân Hè 2012 được trình diễn miễn phí hàng tuần vào thứ Bảy (từ 16h đến 18h) và Chủ nhật hàng tuần (từ 9h đến 11h và từ 16h đến 18h) từ 7/4 đến 6/5/2012.