Tình yêu với sơn ta

Triển lãm đang trưng bày tại Bảo Mỹ thuật Việt Nam, nhân kỷ niệm tròn một năm ra đời của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam. Đây là triển lãm lần thứ hai của nhóm, trưng bày 29 tác phẩm của 29 tác giả với những tác phẩm sơn mài được làm từ chất liệu sơn ta thuần khiết với mọi đề tài và phong cách thể hiện.

Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam là nhóm các họa sĩ tự nguyện liên kết thành nhóm, sinh hoạt nghề nghiệp, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên trên tinh thần kế thừa, phát huy thành tựu của các thế hệ họa sĩ đi trước, tìm tòi sáng tạo nhằm góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam. Hiện nay nhóm có 52 thành viên.

img_4144.jpg
Tác phẩm "Đêm hội Long Trì" của Nguyễn Trường Linh

Họa sĩ  Nguyễn Trường Linh - chủ nhiệm nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam cho biết, trên cơ sở sơn ta truyền thống, các họa sĩ trong nhóm đã tìm ra những phong cách mới, từ hiện thực, đến siêu thực, biểu hiện.

Trong triển lãm, người xem được thấy được vẻ đẹp của phố phường Hà Nội, Cầu Thê Húc, nhiều bức tranh phong cảnh, vẻ đẹp của hoa sen, cảnh sinh hoạt và cả những cổng làng, ngõ nắng... và cả những bức về một giấc mơ đẹp. Tất cả đều được thể hiện trong vẻ đẹp lộng lẫy của sơn ta.

Bức tranh phong cảnh Tháng ba của họa sĩ Nguyễn Tuấn Cường thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên nhìn qua ô cửa của một ngôi chùa. "Tôi muốn miêu cả sự tĩnh lặng ở trong chùa và thiên nhiên đẹp, thơ mộng ở ngoài. Tôi muốn diễn tả sự hài hòa giữa tự nhiên và con người" - họa sĩ Nguyễn Tuấn Cường nói.

Họa sĩ Trần Phi Trường cho biết, tác phẩm có tên Bay của anh nhằm thể hiện thân phận người phụ nữ trong chiến tranh. Theo họa sĩ Trần Phi Trường, chất liệu sơn ta có nhiều thế mạnh, hợp với người Việt, mộc, khỏe, dễ sử dụng cho các dạng tranh hiện đại. Đặc biệt màu đỏ của son rất tươi, rất "đầm".

Tác phẩm "Bình minh trên cao nguyên đá" của Phan Quang Tuấn

Đến với triển lãm, người xem rất ấn tượng với bức tranh khổ lớn của họa sĩ Phan Quang Tuấn với tên Bình minh trên cao nguyên đá (120 cm x 250cm). Họa sĩ cho biết khi đi thực tế tại Hà Giang, cuộc sống yên bình của người dân nơi đây, cũng như vẻ đẹp của thiên nhiên nơi cao nguyên đá đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong anh và tạo cảm xúc cho anh sáng tạo tác phẩm.

"Sơn mài truyền thống có lịch sử lâu dài, chất liệu sang trọng, đẹp, độ bền cao, không bị mốc, ẩm. Chúng tôi làm tranh sơn mài là thể hiện tình yêu với chất liệu truyền thống. Thế giới sơn mài nhiều, đa số trình diễn ở bề mặt, nhưng sơn mài Việt Nam làm kỹ, nhiều lớp" - họa sĩ Phan Quang Tuấn nói.

Là một họa sĩ vẽ sơn dầu, đến xem triển lãm, họa sĩ Trần Thị Thu rất ấn tượng với các tác phẩm trưng bày lần này và theo chị, chất lượng các tác phẩm được nâng cao hơn trước rất nhiều. Chị khá ấn tượng với các bức tranh "Sen" của Nguyễn Nghĩa Dậu, hay việc thể hiện các sắc điệu trong bức tranh "Vó đêm" của Trần Tuấn Long.

Nét độc đáo của tranh sơn mài bằng chất liệu sơn ta

Việt Nam có một loại sơn đặc biệt, được chế xuất từ một loại nhựa cây tự nhiên. Từ lâu đời sơn này được kết hợp với vàng, bạc, son để sơn phủ lên bề mặt các bức tượng, những đồ vật thờ cúng trong đình, chùa, những vật dụng thủ công, mỹ nghệ… làm cho chúng có vẻ đẹp bên ngoài lộng lẫy và chịu được thử thách của thời gian. Đó là thứ sơn quý có tên gọi là “sơn ta”.

Từ năm 1932, kết hợp với một số nghệ nhân thủ công mỹ nghệ, các họa sĩ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đưa chất liệu sơn ta vào trong sáng tác những tác phẩm hội họa. Qua quá trình tìm tòi và thử nghiệm, thể loại “Tranh sơn mài" đã ra đời, đánh dấu mốc son mới của nền Mỹ thuật Việt Nam. Trải qua thời gian cùng với công lao và sáng tạo của nhiều thế hệ họa sĩ đi trước, thành tựu của Mỹ thuật Việt Nam đã có sự đóng góp lớn của tranh sơn mài.

Tác phẩm "Vó đêm" của tác giả Trần Tuấn Long

Nét độc đáo của tranh sơn mài chính là ở chỗ: Trong tranh sơn mài có hội đủ Ngũ hành, trong đó “Kim” là vàng và bạc; “Mộc” là vóc gỗ và nhựa sơn; “Thủy” là nước để mài tranh; “Hỏa” là lửa để nướng vỏ trứng và vỏ trai; và cuối cùng “Thổ” là khoáng chất tự nhiên như đất, đá được nghiền ra và được chế biến thành các màu như son nhì, son trai, son tươi, son thắm...

Quá trình vẽ  tranh sơn mài, từ trên nền vóc (tấm gỗ được hom, bó, sơn phủ sơn ta), họa sĩ gắn những lớp vỏ trứng, trai và những lớp màu được pha với Sơn ta chồng lên nhau kèm theo những công đoạn rắc, thếp vàng, bạc... rồi ủ trong môi trường ẩm, để khô sơn sau đó mới đem mài. Khi mài tranh cũng là quá trình sáng tác của người họa sĩ, bởi người họa sĩ cần phải biết mài có chỗ nông hay sâu để hiện lên các lớp mảng màu, hình, nét... mà người họa sĩ cần giữ để có tác phẩm đẹp. Quá trình này đôi khi tạo ra nhiều hiệu quả bất ngờ, những vỏ trứng, son, màu, vàng, bạc chìm nổi trong một thứ ánh sáng hổ phách tạo nên sự kỳ ảo của màu sắc.

Do đặc tính của chất liệu, quá trình sáng tác tranh sơn mài đòi hỏi sự công phu, và sự kiên trì của người họa sĩ, cũng vì vậy tranh sơn mài có tuổi thọ cao vài trăm năm, tác phẩm tranh sơn mài có vẻ đẹp kỳ diệu ẩn sâu dưới lớp sơn vừa sang vừa quý, có khi lộng lẫy, mà cũng có khi đằm thắm và tinh tế như tâm hồn người Việt. 

Trân trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị của chất liệu sơn ta - một chất liệu độc đáo đối với Hội họa Việt Nam nói riêng và hội họa thế giới nói chung, các họa sĩ chuyên sáng tác tranh sơn mài bằng chất liệu sơn ta tự nguyện liên kết và lập nên “Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam". Tuy tuổi đời, tuổi nghề và quan điểm nghệ thuật khác nhau với phong cách đa dạng, một năm qua, các họa sĩ vẽ tranh sơn mài đã hội tụ bởi chung một niềm đam mê chất liệu sơn mài truyền thống cùng với mong muốn kế thừa và phát huy thành quả của thế hệ họa sĩ đi trước, góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam với thế giới.

Tác phẩm "Phong cảnh" của Chu Viết Cường
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Hội rất hoan nghênh việc nhóm Họa sĩ Sơn ta tập hợp lại với nhau.   
"Các họa sĩ có cùng sở thích tập hợp lại chơi với nhau là điều rất tốt. Nhưng mỗi người trong nhóm lại phải có phong cách, tiếng nói riêng, để khi bày chung người ta không cảm thấy quen thuộc và lặp lại. Ở triển lãm lần thứ hai này, chúng ta thấy được điều đó" - họa sĩ Trần Khánh Chương nhận xét.

Cũng theo họa sĩ Trần Khánh Chương, chất lượng của các tác phẩm trong triển lãm lần này so với triển lãm lần thứ nhất đã được nâng cao một bước. Các tác giả ở đây dùng sơn truyền thống, tạo sự trầm ấm trong tác phẩm, nhưng phong cách rất đa dạng.

Triển lãm của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam lần thứ 2 còn mở cửa đón công chúng đến hết tháng 5/2014.

Dự kiến, đầu tháng 6/2014, nhóm sẽ tham gia triển lãm giao lưu văn hóa tại Liên Bang Nga theo lời mời của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch kết hợp với bảo tàng mỹ thuật Việt Nam; vào tháng 8/2014 nhóm sẽ tham gia triển lãm tại Bắc Kinh, theo lời mời của bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.

Vào tháng 5/2015 nhóm sẽ thực hiện "Triển lãm Mỹ  thuật Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam - Lần thứ  3" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam./.