Cần xây dựng “văn hóa đi lễ chùa”

Chen chúc, ngột ngạt, nhiều hình ảnh phản cảm… là tình trạng vẫn tiếp diễn tại nhiều lễ hội đang diễn ra trong tháng giêng này, điển hình là lễ hội chùa Hương và chùa Bái Đính đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tại lễ hội chùa Hương vẫn có cảnh thú rừng bị xẻ thịt treo đầy các quán. Còn tại chùa Bái Đính du khách bắc thang vượt tường, chui qua cổng để rút ngắn đường đi. Còn cảnh tắc nghẽn giao thông, chen lấn nhau là tình trạng chung của các lễ hội những ngày cao điểm.

Ý thức cũng như nhận thức về tinh thần đạo Phật của du khách đi lễ chùa, trảy hội là một phần nguyên nhân gây ra những hình ảnh phản cảm như rải tiền lẻ khắp nơi, gài cả vào tay tượng Phật, ăn thịt được gắn mác thú rừng ngay trên đường đi lễ Phật, trèo tường hay chui qua cổng chùa. Họ làm những việc đó một cách hồn nhiên, với niềm tin rải tiền và cầu xin nhiều thì điều cầu xin dễ thành hiện thực, với tâm lý đi du ngoạn chốn núi rừng thì thưởng thức đặc sản của núi rừng (mặc dù thực ra rừng đặc dụng khu vực chùa Hương không còn các loại thú đó).

chua%20huong.jpg
Đường lên chùa Hương vẫn còn nhiều hàng quán treo thịt thú rừng (ảnh: Tuổi trẻ)

Những hành động này hẳn đã không xảy ra nếu người đi lễ chùa hiểu được rằng tiền “giọt dầu” (hay thường gọi là tiền công đức) là dùng để hương khói, tu tạo cảnh quan của chùa chứ không thể dùng tiền để xin xỏ thần Phật. Theo tinh thần Phật giáo thì Phật không phải đấng thần linh ban phúc, giáng họa cho con người. Ăn thịt thú rừng bị phơi bày và xẻ thịt ngay trên đường vào chùa cũng trái ngược hoàn toàn với tinh thần nhân đạo của Phật giáo.

Để giảm bớt tiến tới loại bỏ được những hành vi không đẹp mắt ấy, cần phải giúp du khách trước khi đi lễ chùa hiểu được cơ bản tinh thần của đạo Phật. Lâu nay chúng ta vẫn nhắc đến đủ thứ văn hóa cần chấn hưng (gần đây nhất là “văn hóa giao thông” chẳng hạn), có lẽ cũng cần xây dựng và tuyên truyền về “văn hóa đi lễ chùa” để nét đẹp truyền thống này không bị biến tướng như đã và đang xảy ra. Sự thất bại của các nhà quản lý?

Toàn bộ những sự lộn xộn, không đẹp mắt trong các lễ hội nơi chùa chiền không chỉ do ý thức của người đi lễ mà còn thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý. Trong chuyên mục “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 3/2/2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã thẳng thắn nhìn nhận là mặc dù đã có chuyển biến tích cực ở một số địa phương song công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Một biện pháp được Bộ trưởng đưa ra là tổ chức các đoàn kiểm tra trước lễ hội để chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế.

Trên thực tế, khi đoàn kiểm tra của Bộ đi kiểm tra vào ngày 3/2, Ban Tổ chức lễ hội cho biết đã cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Nhưng với những gì diễn ra thì có thể nói Ban Tổ chức đã thất bại trong việc dẹp đi những hình ảnh phản cảm này.

Dù Ban Tổ chức lễ hội Lim đã cấm các liền anh, liền chị nhận tiền, song du khách vẫn tự ném tiền vào khay mời nước (ảnh: Trọng Phú)

Mặc dù đã biết trước về lượng người sẽ đổ tới và tình trạng ách tắc tại chùa Hương đã diễn ra năm này qua năm khác nhưng vẫn không cải thiện được, mặc dù ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy để giải quyết tình trạng này thì nên dẹp bớt những dãy hàng quán lôi thôi, nhếch nhác trong khắp khu vực thắng cảnh. Những dãy hàng quán này vừa làm mất mỹ quan vừa gây cản trở giao thông là cũng là “tác giả” của việc treo, xẻ thịt động vật ngay trước cổng chùa.

Lễ hội chùa Hương đã có từ lâu đời và cơ sở hạ tầng không phát triển kịp với số người đi lễ dẫn đến ùn tắc đường đi, tắc nghẽn cáp treo, thiếu dịch vụ dẫn đến tình trạng chặt chém…Còn chùa Bái Đính là chùa mới xây, những nhà quản lý cũng đã ước tính được lượng người đi lễ song vẫn không có cách tổ chức quy củ hơn. Đường đi vào chùa Bái Đính được thiết kế để đi xe điện nhưng lại không bố trí đủ xe điện phục vụ du khách. Nhiều người không đi được xe, cũng không thể đi bộ quá xa nên đã trèo qua tường, chui qua cổng. Có cầu thì có cung nên xuất hiện dịch vụ cho thuê thang trèo qua tường. Đủ cách làm tiền xuất hiện nơi chùa chiền do có những bất cập kiểu như vậy.

Lễ hội truyền thống là thuộc về người dân, song những nhà quản lý có trách nhiệm xây dựng và thực thi các biện pháp để lễ hội diễn ra trật tự, an toàn, văn hóa./.