Từ điển thời trang thế giới không có từ “siêu mẫu” và tất nhiên các nhà thiết kế thời trang chỉ lựa chọn người mẫu nào làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp. Con đường đến với nghề người mẫu không đơn giản như nhiều người nghĩ và cũng không thể dễ dãi trong cách gọi, để rồi, ai cũng trở thành“siêu mẫu” sau một đêm biểu diễn.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, từ "siêu mẫu" thường xuyên được sử dụng khi đề cập đến công việc hoặc chuyện sinh hoạt cá nhân của các người mẫu- những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn thời trang và các hoạt động nghệ thuật khác. Chỉ mất 0,32 giây tìm kiếm trên công cụ Google, chúng ta sẽ có hơn 2 triệu kết quả cho từ “siêu mẫu”.

minh_hanh2_uxto.jpg

Những người tham gia chương trình thời trang đều được gọi là người mẫu.

Chia sẻ về quan điểm cũng như cách nhìn nhận về cái gọi là “siêu mẫu”, một số bạn trẻ cho biết: Từ“Siêu mẫu” bây giờ được sử dụng nhiều trên báo mạng. Người ta sử dụng rất tràn lan và không có một quy định cụ thể hay một cuộc thi, tổ chức nào chứng nhận người ta là siêu mẫu. Trình độ của họ chưa hẳn là đủ chuyên nghiệp để gọi là siêu mẫu. Việt Nam mình hay có khái niệm nói quá lên. Nhiều khi những từ như thế sẽ bị lạm dụng, khiến cho nhiều người có thể sử dụng sai và làm giảm giá trị của khái niệm đó.. Ngay cách dùng từ siêu mẫu và người mẫu đã khác hẳn nhau. Dùng từ “siêu” có nghĩa là quá cao rồi. Về “siêu mẫu” thì từ trước tới giờ mình cảm giác có một số người là siêu mẫu nhưng sau lại thấy không thể.

Đối với khán giả, "siêu mẫu" vẫn là một hình ảnh để ngưỡng mộ trong lòng đối với một người mẫu tài năng nào đó hơn là hình ảnh cụ thể với những tiêu chí nhất định. Còn đối với những người trong nghề, "siêu mẫu" nhiều khi chỉ là cách gọi nhau, đặc biệt là đối với những người đạt danh hiệu từ một cuộc thi người mẫu nào đó. Theo cách hiểu của một người có kinh nghiệm 15 năm trong nghề như người mẫu Phương Liên thì trước đây, khi chưa có những cuộc thi như VietNam Next Top Model, Elite Model Look, những người tham gia chương trình thời trang đều được gọi là người mẫu. Chỉ sau mấy cuộc thi như vậy, những người được giải thưởng thường được giới trong nghề gọi bằng những danh hiệu khác nhau để dễ phân biệt, nhận diện.

“Không sử dụng những người mẫu không yêu nghề”- đó là quan điểm của nhà thiết kế Minh Hạnh.

Nhà thiết kế áo dài Đức Hùng cho rằng: việc khán giả dành sự ngưỡng mộ đối với người mẫu mình yêu thích là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu vượt khỏi phạm vi cá nhân, cụ thể là đối với báo chí và những người có tiếng nói trong ngành thời trang thì nên thận trọng trước khi gọi ai đó là "siêu mẫu". Bởi lẽ, lúc đó câu chuyện không dừng lại ở sự ngưỡng mộ hay nhận định của cá nhân: “Riêng với tôi nếu nói Việt Nam không có siêu mẫu thì tôi quá khắt khe và tôi lại thành người quá cực đoan. Nhưng trên thế giới nếu liệt kê một loạt trên báo chí, nếu gõ chữ “siêu mẫu” thì chắc phải ra rất nhiều siêu mẫu của Việt Nam. Như vậy, nếu để tốc độ phát triển hồn nhiên như vậy thì không khéo Việt Nam sẽ là đất nước có rất nhiều siêu mẫu nhất thế giới. Mà trong khi đó, ngành thời trang Việt Nam phát triển rất bình thường, mà sao nhiều siêu mẫu đến thế.

“Không sử dụng những người mẫu không yêu nghề”- đó là quan điểm của nhà thiết kế Minh Hạnh suốt thời gian dài gắn bó với nghệ thuật thời trang. Đối với chị, một người được coi là người mẫu dĩ nhiên phải đầy đủ tất cả tiêu chuẩn về hình thể. Nhưng điều đấy không quan trọng bằng cảm xúc, tất cả sự hiểu biết nghề nghiệp của họ. Nếu như họ chỉ yêu nghề một cách ngây thơ bằng trái tim một đứa trẻ thích thú với những gì phù phiếm của thời trang thì sẽ không bao giờ chuyển tải được tất cả ý tưởng mà một nhà thiết kế kì vọng.

Nhà thiết kế Minh Hạnh luôn “chọn mặt gửi vàng” với những người biết trân trọng các giá trị văn hóa chân chính, làm việc nghiêm túc. Chị coi họ là “người mẫu chuyên nghiệp”. “Tôi chưa bao giờ gọi một người mẫu nào là siêu mẫu cả. Và tôi không thích từ đó. Thời gian sẽ được chứng minh rằng điều ấy đúng hay sai. Tuy nhiên đừng để cho thời trang trở nên lạc hậu và đáng thương khi những người nước ngoài vào đến Việt Nam đều nói rằng “Ở Việt Nam quá nhiều siêu mẫu”. Và chữ “siêu mẫu” ấy ở thế giới hiện nay họ đã triệt tiêu mất rồi”.

Có nên chăng, vì quá yêu thích một người mẫu xinh đẹp nào đó mà chúng ta dễ dãi gắn trước tên họ hai từ “siêu mẫu”. Người mẫu là những người đẹp và họ đáng được trân trọng. Nhưng cách đánh đồng ai cũng là “siêu mẫu” lại vô tình làm mờ đi giá trị đích thực của những bước chân đẹp trên sàn catwalk. Khi ngành thời trang Việt Nam còn chập chững những bước đi đầu tiên hướng đến sự chuyên nghiệp thì nên chăng những người mẫu thời trang và rộng hơn là những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang cần có sự nhìn nhận đầy đủ và khiêm tốn hơn./.