Đi lễ chùa đầu năm mới đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, hàm chứa triết lý sống sâu sắc, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Nhưng hiện nay, nhiều người đến chùa không khỏi phiền lòng khi ở cửa Phật lại xảy ra tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức tùy tiện làm mất đi sự tôn kính, trang nghiêm. Trong khi đó, việc tổ chức các dịch vụ cúng lễ và đặt hòm công đức quá nhiều tại không ít đền, chùa cũng đang làm giảm đi sự linh thiêng.
Chen lấn xin lộc ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội (Ảnh: Quang Trung) |
Những ngày này, tại các chùa lớn ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, Phúc Khánh hay Phủ Tây Hồ… đều rất đông người đến cầu mong gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù chùa nào cũng có đặt hòm công đức để khách thập phương thể hiện lòng thành tâm, đóng góp cho chùa nhưng lại không mấy ai để tiền vào đó. Bà Nguyễn Thị Hợp, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội cho biết: “Đầu năm mọi người đi lễ chùa, lễ phủ để cầu những việc thiện, cầu cho sức khỏe của gia đình. Bây giờ cấm đốt vàng mã, chỉ mua thẻ hương, thanh bông hoa quả không thì tiền công đức thế là rất gọn nhẹ. Không nên để tiền lên tượng Phật vì đồng tiền này qua tay nhiều người nó không phải là sạch sẽ lắm. Không nên để lung tung, có hòm công đức mình nên để vào đấy để cuối ngày người ta thu vào”.
Khu vực lễ bái cũng đặt biển báo, đề nghị mọi người không thắp nhiều hương, không đặt tiền lẻ tùy tiện nhưng rất ít người làm theo. Nhiều người đi lễ Phật mà lại quá coi trọng chuyện tiền lễ nên bất cứ các ban, bệ tượng phật nào họ cũng đặt tiền; thậm chí gài cả những tờ tiền lẻ vào cành hoa, để lên giá nến, gài vào chân, tay tượng Phật, nhét vào khe cửa, vào miệng các linh vật trong chùa... khiến quang cảnh chùa mất đi sự tôn nghiêm.
Sư thầy Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Hà Nội cho biết: Việc người dân đi lễ đặt tiền “giọt dầu” là để thể hiện cái tâm của mình, góp phần cùng cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để dâng lên Phật, lên Thánh. Vì thế không nên đặt, gài tiền lên tượng Phật mà phải để đúng nơi nhà chùa quy định. Nếu phát tâm công đức thì cũng chỉ cần đặt ở một nơi, không nhất thiết cứ đến cổng đền, chùa, phủ lại phải đổi tiền lẻ và rải khắp nơi.
Để giữ gìn cảnh quan trang nghiêm của những ngôi chùa, đền… mỗi người dân khi đi lễ cần có ý thức giữ gìn, bảo vệ không gian chung. Nếu thành tâm cúng dường hay công đức có thể đóng góp cho nhà chùa tại đúng những nơi quy định. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực thường diễn ra trong lễ hội như: đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện..../.