NSƯT Lê Thu (tên thật là Đào Thị Đoan) nguyên là cán bộ công an. Năm 1954, bà được biệt phái về Đài Tiếng nói Việt Nam và việc trở thành diễn viên như một cơ duyên. Trong cuộc đời làm nghệ thuật, bà có nhiều lần được gặp và biểu diễn cho Bác Hồ xem.

Đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ký ức về những lần NSƯT Lê Thu được gặp Bác như vẫn còn vẹn nguyên và như mới hôm qua.

NSƯT Lê Thu kể: “Tôi được gặp Bác lần đầu tiên vào tháng 10/1954 khi đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đến hát giao lưu với các đại sứ -  khách mời của Bác. Trong khoảng thời gian từ năm 1955 – 1960, tôi có nhiều cơ hội hơn nữa để được vào thăm nơi ở, được trò chuyện, giao lưu cùng Bác và hát cho Bác nghe.

Thế rồi, từ năm 1965, trong lúc người dân bắt đầu đi sơ tán thì chúng tôi – những cán bộ, phóng viên, nghệ sỹ, công nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn trực và phát sóng các bản tin mới cập nhật. Chính vì vậy, kể từ đó, mỗi khi Bác có sự kiện quan trọng hay tiếp đón các đoàn khách nước ngoài thì chúng tôi luôn được ưu tiên để chọn biểu diễn. Lần cuối cùng tôi được gặp Bác là vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968...”

lethu.jpg
NSƯT Lê Thu

PV: Thưa NSƯT Lê Thu, cảm xúc của bà như thế nào sau mỗi lần được gặp Bác?

NSƯT Lê Thu: Tôi đã trải qua khá nhiều cảm xúc khác nhau. Có những lúc, ngồi cùng Bác mà tôi không khỏi xúc động khi Bác tâm sự và kể chuyện. Bác là thế -  một vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân nhưng cũng rất giản dị và yêu thương con trẻ. Cứ đến ngày mùng 1/6 hàng năm, Bác thường gác lại những công việc chính trị để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện, động viên và chia quà cho các cháu. Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy tư liệu “Bác trao quà cho thiếu nhi” trên truyền hình thì tôi không kìm nén được cảm xúc của mình. Đó là những ký ức mà tôi đã trải qua và thấm thía trong suốt 60 năm về Bác.

Tôi nhớ một lần, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo sẽ tổ chức cho đoàn văn nghệ đến thăm, giao lưu với khách mời của Bác nhân ngày Quốc Khánh, chúng tôi đã lên kế hoạch tập luyện ngay từ lúc nhận được tin. Một lãnh đạo trong Đài đã nói rằng “Lê Thu chuẩn bị kỹ nhé, cô được chọn để vào hát và thăm Bác nên cố gắng đừng để xảy ra sai sót gì”. Nhưng thật đáng tiếc vì trong khoảng thời gian tập luyện, vì lý do sức khoẻ, tôi không được cùng đoàn của Đài vào với Bác. Bây giờ, khi đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tôi vẫn còn thấy nuối tiếc và day dứt.

Diễn viên hát Lê Thu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ ưu tú” nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua khi bà đã về hưu được 24 năm.

PV: Vậy còn kỷ niệm vui nào khiến bà thấy nhớ mãi?

NSƯT Lê Thu: Kỷ niệm đầu tiên làm tôi nhớ mãi chính là những lần tôi được gặp Bác Hồ. Mỗi năm ít nhất 3 lần tôi cùng Nghệ sỹ Như Hoa đều được vào thăm Bác. Có một lần, chúng tôi dự định vào thăm Bác rồi sẽ trò chuyện, hát hò và ngâm thơ để Bác nghe. Thế nhưng, khi chúng tôi vào đến nơi, Bác nói rằng thôi, "hôm nay Bác cháu mình kể chuyện cho nhau nghe nhé". Thế rồi, buổi trò chuyện giữa Bác và chúng tôi đã diễn ra thật vui vẻ.

Lúc đó, Bác đã nảy ra ý định thử tôi xem tôi có phải là người Tày không. Bác hỏi tôi bằng tiếng Tày rằng tôi bao nhiêu tuổi, tôi có mấy người con và tôi đã trả lời lại Bác bằng chính tiếng Tày. Bác còn hỏi tôi rằng tôi có biết hát Then không, Bác thích được nghe hát Then bằng tiếng Tày lắm. Thế rồi tôi đã xin phép Bác để được hát những lời thơ của Bác bằng làn điệu hát Then: “Non xa xa, nước xa xa. Nào phải thênh thang mới gọi là. Đây suối Lê-nin, kia núi Mác. Hai tay xây dựng một sơn hà,…”. Khi tôi hát xong, Bác đã vỗ tay và nói: "Đúng rồi, cháu đúng là người Tày rồi".

PV: Vậy còn kỷ niệm nào khiến bà thấy nuối tiếc hay xót xa?

NSƯT Lê Thu: Tôi không thể quên được hình ảnh Bác một mình trong căn phòng đơn sơ với tình trạng sức khỏe ngày càng yếu. Lúc bấy giờ đến thăm Bác, chúng tôi không còn được trò chuyện như mọi khi nữa mà thay vào đó chỉ được đứng bên ngoài nhìn Bác.

Lúc đó, đồng chí Vũ Kỳ -  thư ký của Bác đã nói với chúng tôi: “Đây là chuyện bí mật và không thể để lọt thông tin Bác không qua khỏi ra ngoài. Các cháu đừng khóc vì nếu các cháu khóc, Bác sẽ rất buồn. Các cháu phải cười lên để Bác vui nữa chứ”. Lúc ấy, chúng tôi đã khóc không thành tiếng và sau đó 1 tuần, Bác đã ra đi mãi mãi.

PV:Nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác, 19/5, bà có mong muốn gì?

NSƯT Lê Thu: Ngày 19/5, chúng tôi sẽ đến lăng Hồ Chủ Tịch để báo công với Bác những điều Bác dạy công an nhân dân. Nhân đây, tôi cũng mong muốn các thế hệ luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức và lối sống của Bác Hồ. Chúng ta có thể đổi mới nhưng những gì thuộc về truyền thống, thế hệ cha anh để lại thì nên tiếp thu và học tập.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Lê Thu./.