Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác, sáng 18/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm “Hồ Chí Minh - Người khơi nguồn sáng tạo”. Mỗi tác phẩm, dù là của nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc không chuyên đều góp phần tái hiện hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng hết sức khiêm nhường, giản dị.

Triển lãm giới thiệu 79 tác phẩm tiêu biểu lấy hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm đề tài ở các thể loại: hội họa, âm nhạc, thơ văn của hơn 70 tác giả trong và ngoài nước. Riêng với lĩnh vực hội họa, triển lãm không chỉ trưng bày nhiều tác phẩm làm từ chất liệu quen thuộc như sơn mài, sơn dầu, bột màu… mà còn có những tác phẩm được các tác giả thử nghiệm ở những chất liệu khác như mây, tre, bẹ chuối, ngũ cốc, chất liệu tổng hợp, dây điện, tượng điêu khắc bằng thạch cao, đá, đồng…

phu_dieu1_quoc.jpg

Bức phù điêu "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1948) lần đầu tiên được giới thiệu tới người xem.

Đặc biệt, tại triển lãm, lần đầu tiên bức phù điêu “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” (hợp kim nhôm) làm từ năm 1948 được giới thiệu với người xem. Đây là tác phẩm do kĩ sư Võ Quý Huân, người được phân công phụ trách ngành gang thép chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến thực hiện. Ông và những cộng sự của mình đã có nhiều sáng kiến đúc tượng phù điêu Hồ Chí Minh tặng cho những cá nhân đạt thành tích trong phong trào thi đua của ngành.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (1967) - Tác giả: nhà văn Anh Herga.
Là người lưu giữ tác phẩm phù điêu “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Phạm Hữu Quốc kể lại: “Tháng 2/1948, Trung ương phát động phong trào thi đua “Gây cơ sở, phá kỉ lục” tại nhà máy ở B4, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Mình là anh công nhân, sản xuất ra vũ khí chống Pháp, lại có thành tích cao nên được thưởng hình ảnh này thì phấn khởi lắm. Lớp anh em đã mất hết rồi, còn tôi nay đã 93 tuổi. Tôi không có mong muốn gì hơn, chỉ mong tác phẩm đưa vào bảo tàng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì rất là quý”.

Triển lãm “Hồ Chí Minh - Người khơi nguồn sáng tạo” mở cửa từ nay đến hết ngày 10/06 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh./.