Sáng 23/4 (tức ngày 14/3 âm lịch), tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và  hàng vạn du khách thập phương cùng hậu duệ nhà Lý ở trong và ngoài nước đã về dự lễ hội đền Đô, kỷ niệm 1003 năm ngày vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn đăng quang ngôi vị Hoàng đế.

Đền Đô còn được biết đến với cái tên Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, được xây dựng từ thế kỷ XI trên nền đất vua Lý Công Uẩn đăng quang khi xưa. Năm 1010, Vua lại trở về mảnh đất này, dừng thuyền rồng đi thăm các bậc kỳ lão, lăng Thái Hậu… Tại đây, dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà đón vua. Đến năm 1028, vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua Cha.

img_053520120821143837.jpg
Đặc biệt năm 2013 là năm du lịch sông Hồng nên lễ hội Đền Đô có nghi lễ rước với 9 kiệu vua và 1 kiệu mẫu (người sinh ra vua Lý Thái Tổ).

Lễ hội Đền Đô năm 2013 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 23 - 25/4), trong đó ngày 24/4 là chính hội. Trong lễ hội, phần lễ được bắt đầu với nghi thức rước 10 cỗ kiệu với sự tham gia của hàng nghìn người, hàng trăm đoàn đại biểu. Nghi thức rước được thực hiện theo nghi thức cổ, tất cả những người trực tiếp tham gia đoàn rước đều mặc trang phục cổ.

Lễ hội Đền Đô là dịp để tưởng nhớ công ơn vua Lý Công Uẩn đã khai mở vương triều Lý, phát triển nền văn minh Đại Việt. Đồng thời, Lễ hội còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn tổ tiên, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và truyền thống quý báu của con dân đất Việt ngàn đời nay.

Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao phong phú như hát quan họ trên thủy đình, diễn tuồng, giao lưu thơ, đấu vật, biểu diễn thái cực quyền, cờ tướng, cờ người, thả chim bồ câu, thi đấu bóng chuyền, cầu lông, thi nấu cơm niêu đất, gói bánh phu thê…

Ông Nguyễn Thế Phú, Trưởng ban quản lý di tích văn hóa lịch sử quốc gia Đền Đô cho biết, lễ hội này có ý nghĩa ôn lại công lao to lớn của đức vua Lý Thái Tổ cũng như các vị vua trong triều đại nhà Lý. Cùng với đó là giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn để mọi người về đây đều thấy công lao của tổ tiên và công lao của triều đại Nhà Lý đã có công lập nước. Đặc biệt năm 2013 là năm du lịch sông Hồng nên lễ hội Đền Đô vẫn có phần rước với 9 kiệu vua và 1 kiệu mẫu (người sinh ra vua Lý Thái Tổ).

Ngoài ra, du khách về dự hội đền Đô còn được đắm mình trong những làn điệu quan họ đằm thắm, vãn cảnh vùng đất Kinh Bắc, vừa khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn phục hưng và thăng hoa của đất nước từ thuở Đại Việt.

Để đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội Ban tổ chức lễ hội Đền Đô cũng tăng cường công tác kiểm tra các hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội, kiên quyết xử lý các trường hợp bán giá cao, bắt chẹt khách hàng, các trường hợp bán hàng rong khu vực trước cửa Đền. Lễ hội Đền Đô diễn ra đến hết ngày 25/4 (tức ngày 16/3 âm lịch)./.