Trong khuôn khổ “Tuần Văn hoá-Du lịch biển đảo Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 20-24/11, chiều nay (23/11), Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian và nói chuyện về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

1af_lopn.jpgBác Phạm Thoại Truyền- hậu duệ đời thứ 5 của Đô đốc Phạm Hữu Nhật kể chuyện giới thiệu lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Trong chương trình, các nghệ nhân đến từ các xã An Hải, An Vĩnh và An Bình, thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã thể hiện các tiết mục hát dân gian của địa phương mình như: hát bả trạo, hát giật chì…là những làn điệu quen thuộc của những người ngư dân khi cầu ngư hay trong lễ tế lính Hoàng Sa, cầu mong bình an cho quê hương, nhớ về những người đi biển không trở về.

Ngay sau những tiết mục văn nghệ, ông Phạm Thoại Truyền- một người dân xã An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi đã kể lại về lịch sử, ý nghĩa của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Theo ông, nghi lễ này có từ 3-4 thế kỉ trước, khi các chúa Nguyễn bắt đầu ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận cũng như sớm xác định chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ Quốc, mà trước hết là quần đảo Hoàng Sa. Hàng năm, các chúa Nguyễn đã tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải trên đất đảo Lý Sơn ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên biển đảo.

Thuyền lễ và bài vị trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 

Ông Phạm Thoại Truyền nói: “Tôi là hậu duệ con cháu các tiền hiện, đặc biệt là con cháu là dòng họ Phạm, họ Võ có công đi Hoàng Sa. Hoàng Sa trước đây, từ năm 1773 ông bà chúng tôi đã có công đi Hoàng Sa bắc hải. Và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có ý nghĩa tri ân, tưởng niệm những người đi Hoàng Sa không về. Do vậy, để thấy được ý nghĩa của công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông nên chương trình có mục đích để con cháu ghi nhớ công ơn và làm thế nào phát huy tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ”./.