Nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu đã đạt cũng những hạn chế cần khắc phục được sau 25 năm đổi mới văn học nghệ thuật, sáng 1/8, tại Hà Nội, Hội Văn học Nghệ thuật Thủ đô phối hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo về thành tựu 25 năm đổi mới văn học nghệ thuật.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, sau 25 năm đổi mới văn học nghệ thuật, nhìn trên mọi bình diện đã có sự chuyển mình tích cực và mạnh dạn. Rõ nhất là ở ngay thời kỳ đổi mới, khi Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi mọi người tự cởi trói, tự bứt phá ra khỏi những quan niệm bảo thủ cũ về chức năng và nội hàm của văn học nghệ thuật trong xã hội thời bao cấp.

Trong 25 năm này, nhiều cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật diễn ra sổi nổi trong bầu không khí dân chủ. Cũng chính bầu không khí đó đã tạo nên sự khởi sắc trong sáng tác văn học nghệ thuật. Xuất hiện của nhiều bút ký, phóng sự có tiếng vang như Tiếng đất của Hoàng Hữu Cát, Người đàn bà quỳ của Xuân Ba… nổi lên những cây bút sung sức như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập... Đặc biệt, một trong những thành tựu nổi bật đó là sự chuyển mình của thơ ca Việt Nam. Các tác phẩm đã có những bước chuyển rất cơ bản về nội dung phản ánh, nghệ thuật và thi pháp. Nhiều tác phẩm văn học đã gần gũi với cuộc đời, thiên nhiên và cả tâm sự buồn vui của con người.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Ngòi bút họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần của con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới. Sau đổi mới tác giả không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao, cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng họ đã hướng tới những số phận, khắc họa được những nỗi đau mật mát, thấm thía, lay động lòng người hơn trước”./.