Tôi giống như tất cả hàng triệu người đàn bà Việt Nam: Sinh ra khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất kết thúc. Lớn lên khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai trở nên ác liệt… Đi qua chiến tranh, lấy chồng, sinh con, rồi lại cuộc chiến biên giới bùng nổ.... Khi con cái lớn lên một chút, giật mình nhìn lại hóa ra bản thân mình chưa bao giờ được nghỉ ngơi và nghĩ gì cho mình.…”- Đỗ Thu Thuỷ bộc bạch.

* Chào chị, chị từng có 35 năm viết báo với bút danh Thủy Vân. Chị cũng từng xuất bản 3 tập thơ, 2 tập truyện ngắn. Cách đây 2 năm chị làm cho công chúng bất ngờ khi  mở triển lãm cùng nhà văn Võ Thị Hảo và bây giờ là triển lãm "Chòng chành". Xin chị cho biết tại sao chị lại “chuyển hướng” sang hội hoạ ?

Tôi không được học một cách bài bản nhưng trong gia đình có 4 trong 5 anh chị em đều vẽ tranh. Anh cả Đỗ Giới vẽ khá nhất. Các em của tôi là nhà báo Đỗ Hoá (đã mất) và nhà báo Đỗ Hương đều vẽ tranh để chơi. Tôi cũng may mắn là được hoạ sĩ Phạm Lực dạy vẽ cho từ nhỏ. Đến bây giờ với tôi, vẽ là một giải pháp giúp tôi thăng bằng, hay đơn giản là tìm được chỗ để trải ra những suy nghĩ mà văn, thơ không nói hết được.

Từ ngày vẽ tranh, tôi thấy cuộc sống như có người chia sẻ tâm tình.

Thien.jpg

Thiền

** Tại sao chị lại lấy tên cho triển lãm của mình là “Chòng chành”?

Bản thân tôi là người ôm đồm nhiều thứ, chính vì vậy mà khi nhìn lại vẫn thấy mình chòng chành vì không ổn định. Cũng như lời tựa tôi viết cho cuộc triển lãm của mình “Không chòng chành vì bão tố thời cuộc, thì lại chòng chành vì những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày. Không chòng chành vì xung đột nội tâm thì lại chòng chành vì tâm thế và lựa chọn”. Đây chính là nguyên do tại sao tôi lấy tên triển lãm này là “Chòng chành” là để nói lên những cảm nhận trong tâm hồn tôi về cuộc sống, về những điều tôi đã trải qua.

** Ý tưởng bức tranh chủ đề của triển lãm đến với chị  như thế nào?

Một hôm, có người viết trên blog của tôi bằng câu ca dao “Chòng chành như nón không quai…”. Sau đó có những chuyện buồn, những tổn thương đến với tôi mà tôi không biết chia sẻ cùng ai.

Một hôm, tôi nghĩ mình cần giải tỏa nên đã cầm cọ vẽ. Tôi vẽ bức tranh chỉ bằng một gam hồng từ nhạt đến sẫm. Bức tranh vẽ một cô gái đứng gọi đò nhưng thuyền thì đi mất, nón thì bay, cái dáng nhỏ bé của cô gái cứ như ám ảnh bởi cái gì cũng không trọn vẹn. Cây không ngọn, thuyền không lái, nón không quai…Tôi đặt tên cho bức tranh là “Chòng chành”cũng vì lẽ đó. Bức tranh không chứa đựng sự đối lập màu sắc như các bức tranh khác, nhưng ẩn trong đó có những cảm xúc mãnh liệt.

** Tranh của chị có sự tương phản đậm nét giữa các tông màu, hình ảnh dữ dội…Khi xem tranh người xem có cảm giác “nổi sóng” nhưng cũng rất nữ tính. Vì đâu mà chị làm được như vậy?

Tôi say mê vẽ và vẽ theo cảm xúc, không bị chi phối bởi kỹ thuật hay những thủ pháp. Tôi tự pha chế mầu cho riêng mình chứ không học tập hay bắt chước bất kỳ ai.Khi vẽ tôi chỉ biết rằng khi muốn thể hiện ý nghĩ nên tôi dùng màu bằng linh cảm để vẽ mà thôi. Có người nhận xét tranh của tôi là dòng tranh cảm xúc, tôi thấy đúng vì  khi bước chân vào hội hoạ, tôi là người không chuyên nên không bị chi phối bởi những quy tắc, những lý luận bài bản nên có thể vẽ một cách “hồn nhiên”, thể hiện mình thoải mái nhất, chân thật nhất.

** Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận xét về tranh của chị:“Đỗ Thu Thủy đã trải lòng mình trên những mầu, mảng, hình khối… lúc vội vã cuống cuồng, lúc âm thầm tĩnh lặng… Dường như làm thơ không đủ với chị, chị muốn ngay lập tức với mầu và hình dàn trải, sắp xếp những gì lắng sâu trong tâm hồn mình”. Chị nghĩ gì về  những lời nhận xét trên ?

Quả thực khi đến với hội hoạ, tôi không ý thức gì cả.Vẽ vì muốn làm việc, vẽ vì thích khi ở nhà một mình và đó là các cuộc đối thoại không lời. Những bức tranh của tôi có thể nói là một câu chuyện, một tâm sự của tôi và mỗi bức tranh đều gợi lên một cảm xúc, một suy nghĩ nào đó từng qua trong cuộc đời. Qua cuộc triển lãm, tôi cũng nhận được nhiều lời động viên của các anh chị em trong giới hội họa, điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc bởi những gì mình suy nghĩ và thể hiện đã được người khác yêu thích.

Mùa sinh

** Khi xem tranh của chị, chị mong người xem “thấy” được gì?

Ví dụ như bức “Mùa sinh”diễn tả những người phụ nữ trong lúc sắp vượt cạn, không hề có bóng người đàn ông bên cạnh trong lúc những người phụ nữ cần họ nhất. Trong triển lãm cũng có những người thích bức tranh này, bởi họ thấy những quãng đời họ đã trải qua. Những khó khăn và đau thương chỉ có thể nói là cố quên đi chứ chưa bao giờ quên được. Tôi chỉ mong muốn mỗi bức tranh đều gợi lên một cảm xúc, một suy nghĩ cho người xem bởi niềm vui, nỗi buồn, hy vọng, thất vọng, khổ đau hay hạnh phúc… mà bất cứ ai cũng phải trải qua./.

**  Xin cảm ơn chị!