Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và nhạc sĩ Trương Quý Hải là hai nhân vật được mời trong chương trình giao lưu nghệ thuật "Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi" do Đài TNVN tổ chức mới đây tại Hà Nội. Các anh là những nhân chứng lịch sử, tham gia tuyên truyền, phục vụ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

52592440_800835996948548_8206850090749394944_n_wdrn.jpg
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Hoàng Nhuận Cầm từng đi lính trong kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Ông được ví như một "nhà thơ... máu lửa". Không chỉ có chất lửa trong thơ mà còn là lửa của đạn bom chiến trường. Hoàng Nhuận Cầm cùng thời với những anh Thạc, chị Trâm, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.  

Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của những bài thơ được nhiều thế hệ chiến sĩ nắn nót chép trong sổ tay, như: Chiếc lá buổi đầu tiên; Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu; Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến; Viên xúc xắc mùa thu; Nhớ Vũ Đình Văn..

Sau năm 1975, Hoàng Nhuận Cầm trở về khoa văn của trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia). Khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông lại cùng những người đồng đội của mình một lần nữa khoác áo lính ra mặt trận. 

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và Nhạc sỹ Lương Nguyên tại chương trình nghệ thuật.

"Nói thật ra là tôi vẫn luôn mặc trên mình tấm áo lính với nắng gió Trường Sơn. Khi nghe Lệnh tổng động viên để bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng tôi lúc đó chỉ mong có đôi cánh để bay lên miền biên cương của Tổ quốc. Tôi và người bạn của mình là anh Phùng Huy Thịnh, lúc đầu tiên nghe Lệnh tổng động viên thì lầm lì như hai hòn đá, không nói năng gì vì cảm giác choáng váng. Cách đó một tuần, chúng tôi còn cùng nhau bàn về vẻ đẹp của thơ Lý Bạch, yêu văn học Trung Quốc vô cùng. Thế mà nay nghe tin lửa cháy, máu chảy, chúng tôi đau đớn quặn thắt.

Sau khi đã chiến đấu trên tất cả các chốt suốt chiều dài biên giới, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trở về ngôi trường của mình. Khi đó, cả trường ùa ra, vây quanh ông. Chiếc áo bộ đội đã sạm lửa khói, nắng mưa của Trường Sơn lại thêm bụi đỏ biên giới. Mọi người thi nhau hỏi ông về chiến trường, ông đứng giữa sân trường đọc to bài thơ "Những năm tháng không thể nào quên":

Tôi không thể nào mang về cho emTrên những đồi biên cương chảy máuMắt đồng đội sau những ngày chiến đấuKhẩu súng ghì nóng bỏng đất Hòa An.

Thương yêu quá! Việt NamLựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻCon đứa lên rừng, đứa lần xuống bểNgảy đất trời vỡ trứng Âu Cơ.

Sao thương quá ầu ơLời ru ngủ suốt chân trời góc bểTay nào mẹ bồng, tay nào mẹ bếBàn tay nào đẫm lệ dỗ Nguyễn Du.

Chưa tay nào dỗ nín được Nguyễn DuSao tôi thương mùa thu trăng luĐêm sao mai lặng lờ cá đớpNgày mặt trời đổ rợp bóng cây.

Tâm hồn tôi màu mâyQuân phục xanh màu láViệt Nam! Tôi thương quảTôi thương quá! Việt Nam.

Trái tim thêm một tuổiĐất tôi yêu hàng ngàyXin trao tôi khẩu súngKhi mà chưa xuôi tayMẹ lại đưa ra trậnKhu vườn hoa mướp bay...

Việt Nam ôi yêu thươngChữ vất vả, gian nan người quá thấuBao thế hệ trọn đời đi chiến đấuBao cuộc đời nhắc đến đã gương soi.

Sẽ còn in như dao khắc lòng tôiDâng đồng đội ngã trong giờ chiến đấuNgực áp sát cột biên cương đỏ máuMà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi...

Là thế hệ sinh sau Hoàng Nhuận Cầm, khi chiến tranh biên giới nổ ra, Trương Quý Hải mới 14-15 tuổi. Tháng 9/1982, Trương Quý Hải cất giấy gọi Đại học, lên đường nhập ngũ. Tháng 5/1984, đơn vị anh được lệnh hành quân lên mặt trận Vị Xuyên.

“Động lực chính mạnh mẽ hơn mọi lời huấn thị là tình cảm của người dân tin yêu người lính”, anh kể.

“Khi xe chúng tôi đi đến Tuyên Quang, lần đầu tiên gặp cảnh tượng chỉ có trong phim…. Đó là hàng ngàn người dân đứng 2 bên đường vẫy tay chào đoàn quân với lời nhắn gửi mà sau này tôi mới biết là vô cùng quý giá: “Về nhé!”.

Mọi người ném lên xe bộ đội những gì họ có: kẹo bánh, chuối, mía, thuốc lá... Khi xe đến vùng giáp ranh hai huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), Vĩnh Tuy (Hà Giang), đoàn xe bị chặn bởi một bà cụ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà cụ lưng còng chống gậy, mặc cái váy của người Tày rách vá, bạc màu, trên tay cầm giá gạo nói câu rất thiêng liêng: “Mẹ cho các con!”. Kể đến đây, nhạc sĩ phải ngưng hồi lâu để qua cơn nghẹn ngào. “Hình ảnh đó theo chúng tôi lên mặt trận”.

Sư đoàn của Trương Quý Hải khi đó được ví như “thằn lằn bám đá”.

Anh kể: “Báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Linh có một câu khắc, sau này thành lời thề chung của anh em mặt trận Vị Xuyên: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử’. Do vậy hàng năm, ngày giỗ trận (tức ngày mở mặt trận MB84), chúng tôi lại về thăm những tảng đá bất tử mãi mãi ngàn đời là chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc”, Trương Quý Hải nghẹn giọng.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Tại cuộc giao lưu nghệ thuật "Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi", Trương Quý Hải đã thể hiện lại ca khúc "Về đây đồng đội ơi". Đây là  ca khúc anh sáng tác vào dịp 30 năm kỷ niệm mặt trận Vị Xuyên.

Ca khúc mở đầu bằng những câu: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn/ Tỉnh Hà Giang đã ngừng chiến trận/ Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/ Đài hương 468 ta hội quân…”./.