Những lùm xùm quanh The Voice  (Giọng hát Việt) với clip “tố” dàn xếp kết quả chưa lắng xuống lại đến chuyện tân Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo bị bạn cùng lớp “tố” chưa dự thi tốt nghiệp trung cấp, không trung thực trong khai báo học vấn. Tuy bản chất của 2 sự việc khác nhau, nhưng, trước phản ứng và quan tâm đặc biệt của dư luận có thể thấy điểm chung ở đây là sự trung thực, minh bạch ở kết quả của các cuộc thi.

Từ The Voice...

The Voice – Giọng hát Việt bị “tố” dàn xếp kết quả, BTC tổ chức họp báo rồi tiếp tục ra thông cáo báo chí nhất mực khẳng định không có chuyện dàn xếp kết quả. Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc công ty Cát Tiên Sa, đơn vị thực hiện The Voice nhấn mạnh: "Chúng tôi không sợ những cơn bão vừa qua. Chúng tôi chỉ mong khán giả hãy thoát ra khỏi những suy nghĩ là các chương trình ở Việt Nam đều sắp xếp, đều có kịch bản...". BTC cũng hứa sẵn sàng cung cấp những thông tin kịp thời và trung thực nhất tới các phóng viên báo chí.

hopbao6.jpg
Ông Nguyễn Quang Minh (áo đen) khẳng định The Voice không dàn xếp kết quả (ảnh LVPH)

Thông cáo báo chí của VTV sau đó cũng khẳng định: Phương Uyên không có và không thể dàn xếp kết quả vì các HLV là những ca sĩ có uy tín, có chính kiến và lòng tự trọng nghề nghiệp cao, họ là người quyết định cuối cùng về kết quả chọn thí sinh.        

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký Biên tập VTV cho biết: “Chúng tôi không cho phép dàn xếp kết quả, tác động đến kết quả của bất cứ cuộc thi, cuộc chơi nào trên truyền hình vì làm như vậy không chỉ vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của VTV mà còn là vi phạm pháp luật!” 

Mặc dù, BTC liên tiếp có những động thái mạnh mẽ trấn an dư luận như vậy nhưng trên thực tế, đông đảo khán giả đã lên tiếng bày tỏ mất niềm tin về chương trình. Xét cho cùng, scandal này chỉ như là một “giọt nước tràn ly” về những “nghi án” dàn xếp kết quả trong các cuộc thi truyền hình thực tế hiện nay.

Có người nói truyền hình thực tế format là vậy, khán giả và thí sinh sẽ là những diễn viên trong vở kịch hoàn hảo của nhà tổ chức. Việc tạo scandal cũng đều nằm trong tính toán của các nhà tổ chức nhằm thu hút thêm khán giả, thêm quảng cáo. Tuy nhiên, format của nước ngoài khi áp dụng vào Việt Nam cần phải hiểu tâm lý của khán giả Việt Nam.

Những phản ứng mạnh mẽ vừa qua cho thấy khán giả Việt luôn cần xem những chương trình vừa vui, vừa “sạch” và hướng đến một nền văn hóa giải trí lành mạnh. Rất nhiều khán giả bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ và đòi tẩy chay không xem The Voice nữa sau scandal. Như vậy, dù vô tình hay cố ý tạo scandal, The Voice cũng đã bị “mất điểm” với báo chí, mất niềm tin với khán giả.

...Đến Hoa hậu Việt Nam

Với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, sự cố ầm ĩ về học vấn của Tân Hoa hậu Đặng Thu Thảo hiện nay thực ra là...không đáng (!) Vì dù Thu Thảo chưa tốt nghiệp hay tốt nghiệp trung cấp rồi cũng không vi phạm quy chế cuộc thi. Có lẽ cần nhắc lại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 và nhiều cuộc thi sắc đẹp tương tự trước đó.

Hoa hậu Đặng Thu Thảo xúc động khi về lại trường ĐH Tây Đô (ảnh TN)

Còn nhớ, khi hoa hậu Trần Thị Thùy Dung bị “phanh phui” chưa tốt nghiệp THPT hoàn toàn vi phạm quy chế của Bộ VHTT & DL, khán giả yâu cầu BTC phải tước vương miện của Thùy Dung. Nhưng rồi, BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 đã trấn an bằng cách thanh minh rằng: Thùy Dung không vi phạm thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, vì theo thể lệ cuộc thi này, thí sinh chỉ cần có trình độ THPT là đủ.

Sự việc cũng gây rúng động một thời gian rồi sau đó cũng “chìm xuồng”, mặc dù không ít khán giả vẫn “ấm ức”. Và sự thật là “chìm xuồng” không có nghĩa là xong. Nếu các hoạt động văn hóa, giải trí không được thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực, sạch sẽ thì niềm tin của công chúng một khi đã mất sẽ rất khó lấy lại./.